• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Ung thư dạ dày

Ung Thư Dạ Dày 

Ung thư dạ dày là gì?
Mỗi tế bào lót thành trong của dạ dày đều có thể trở thành dạng ung thư. Ung thư có thể phát triển thành khối u hoặc vết loét trong dạ dày hoặc nó có thể lây lan khắp toàn bộ thành dạ dày. Ung thư dạ dày cũng được gọi là ung thư bao tử.
Ung thư dạ dày phổ biến ra sao?
Ung thư dạ dày không phải là không phổ biến ở Singapore. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ ba đối với nam giới và thứ năm đối với phụ nữ Singapore. Tỉ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, châu Á là một trong những nơi có tỉ lệ bệnh cao nhất thế giới.

Tuổi khởi bệnh
Ung thư dạ dày thường được phát hiện ở những người từ 50 đến 70 tuổi. Bệnh thường phổ biến ở nam giới hơn.

Rủi ro và Nguyên nhân

Bệnh nhân ung thư dạ dày có tỉ lệ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cao hơn. Tuy nhiên, đại đa số những người bình thường có vi khuẩn này trong dạ dày đều không phát triển ung thư dạ dày.

Nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao có liên quan đến chế độ ăn gồm nhiều các loại thực phẩm hun khói, cá và thịt muối, và các loại thực phẩm ngâm chua. Mặt khác, ăn nhiều trái cây và rau quả có nhiều Vitamin A và C có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Nitrit và nitrat là những chất thường thấy trong các loại thịt chế biến. Các chất này có thể được chuyển đổi bởi một số vi khuẩn thành các hợp chất có thể gây ung thư ở động vật. Tuy nhiên kết quả này vẫn chưa được chứng minh ở người.

Triệu chứng và Dấu hiệu của Ung thư dạ dày
Hầu hết bệnh nhân đều có các than phiền không cụ thể, chẳng hạn như khó chịu vùng bụng hoặc khó tiêu. Đôi khi, do ung thư hình thành một khối u trong dạ dày, ngăn chặn việc lưu thông của thức ăn được tiêu hóa làm bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt. Ói mửa sau đó có thể xảy ra. Bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng thiếu máu vì mất máu do ung thư.

Xét nghiệm chẩn đoán
Kết quả xét nghiệm máu định kỳ cho thấy dấu hiệu bị thiếu máu hoặc thiếu lượng hồng cầu sẽ được các bác sĩ chú ý. Một dấu hiệu đáng ngại khác là sự hiện diện của máu trong phân.

X-quang với bari có thể giúp phát hiện ung thư dạ dày. Trong quá trình kiểm tra, bệnh nhân phải uống chất lỏng có chứa bari. Sau đó chụp X-quang để phân định đường viền của thành dạ dày. Từ đó các vết loét và khối u có thể được phát hiện. Nội soi hay là việc đưa ống soi sợi quang học vào dạ dày thông qua miệng được tiến hành sau đó để làm sinh thiết. Mặc dù không thoải mái, thủ thuật này chỉ kéo dài khoảng 10 đến 20 phút. Thủ thuật này được thực hiện ngoại trú và có gây mê nhẹ. Sinh thiết hay là việc cắt lấy một mẫu mô nhỏ, để tiếp tục quan sát dưới kính hiển vi, sẽ giúp xác định vết loét hay khối u thuộc dạng ung thư hay không ung thư. Nội soi thường chính xác hơn kiểm tra bằng X-quang với bari.

Khi đã chẩn đoán được ung thư dạ dày, cần phải chụp X-quang ngực và CT vùng bụng để kiểm tra xem ung thư đã lan rộng ở những nơi khác chưa.

Điều trị Ung thư dạ dày
Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất có thể chữa lành bệnh ung thư dạ dày. Ngay cả đối với một số bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, phẫu thuật vẫn được thực hiện để giảm các biến chứng của bệnh chẳng hạn như tắc nghẽn dạ dày hoặc chảy máu do ung thư.

Xạ trị đôi khi cũng hữu ích để làm giảm tắc nghẽn dạ dày ở những bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để ngăn xuất huyết do ung thư khi không thể làm phẫu thuật. Xạ trị tiến hành hơn 5 phút mỗi ngày trong 2-5 tuần. Có thể tạm thời dẫn đến mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, và đau ở vùng chiếu bức xạ.

Hóa trị đôi khi được dùng để làm giảm các triệu chứng ở ung thư giai đoạn cuối hoặc kéo dài thời gian tăng trưởng của ung thư. Hiện có nhiều loại thuốc hóa trị, hầu hết đều có các tác dụng phụ như gây buồn nôn tạm thời, nôn, rụng tóc, và làm giảm lượng bạch cầu. Ngoài ra, thử nghiệm lâm sàng với các loại thuốc mới thường được giới thiệu để bệnh nhân lựa chọn.

Đối với các trường hợp đã cắt bỏ ung thư dạ dày, hóa trị kèm hoặc không kèm xạ trị được thực hiện để giảm nguy cơ tái phát ung thư và cải thiện cơ hội sống sót của bệnh nhân ung thư.

Tiên lượng bệnh ung thư dạ dày
Bệnh nhân ung thư dạ dày không liên quan đến hạch bạch huyết đã qua phẫu thuật có hơn 50% cơ hội được chữa khỏi sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu ung thư lây lan qua thành dạ dày đến các mô mỡ bình thường xung quanh dạ dày, cơ hội lành bệnh sẽ giảm đi. Một khi các hạch bạch huyết xung quanh dạ dày bị ảnh hưởng do bệnh ung thư, ngay cả sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ tất cả các khối u, chỉ có khoảng 15 đến 20% bệnh nhân hoàn toàn không bị ung thư tái phát trong vòng 5 năm.

Phòng chống

Giữ chế độ ăn uống với nhiều trái cây và rau quả, ít muối. Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá.

Các câu hỏi thường gặp về ung thư dạ dày
1. Một vài người thân của tôi bị ung thư dạ dày. Tôi có nguy cơ cao hơn không?
Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày có nguy cơ phát triển ung thư dạ dày cao hơn một chút. Vì vậy bạn nên đề cập đến tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày cho bác sĩ của bạn mỗi khi được tư vấn y tế.

2. Tôi có người thân bị ung thư ruột kết. Tôi có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn không?
Bệnh di truyền có thể dẫn đến ung thư ruột kết, được biết đến dưới tên đa polyp tuyến gia đình (FAP). Những người có FAP cũng có khả năng mắc ung thư dạ dày cao hơn một chút.

3. Tôi bị đau dạ dày rất thường xuyên. Tôi có nên đi kiểm tra ung thư dạ dày không?
Liên tục đau dạ dày nên được kiểm tra kĩ hơn đặc biệt nếu có đi kèm với giảm cân, thiếu máu hoặc giảm lượng hồng cầu, máu trong phân, hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày hoặc ruột kết.

Di chuyển lên đầu