• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Bệnh đột quỵ

GIẢI ĐÁP MỌI THẮC MẮC XUNG QUANH CĂN BỆNH ĐỘT QUỴ

Tại Singapore ĐỘT QUỴ là nguyên nhân chính đẫn đến các khuyết tật ở người trưởng thành

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) chiếm hơn 10% số ca tử vong và là nguyên nhân chủ yếu gây ra các khuyết tật ở người trưởng thành tại Singapore.

Liệu bệnh tiểu đường, huyết áp cao và nồng độ cholesterol cao có làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh đột quỵ? Tôi có thể thay đổi thói quen sống của mình để ngăn ngừa đột quỵ không? Nếu người thân của tôi bị đột quỵ, điều đó có nghĩa là tôi cũng có nguy cơ mắc bệnh?

Bác sĩ Wee Chee Keong thuộc Khoa Thần kinh tại Viện Khoa Học Thần Kinh Quốc Gia Singapore – một thành viên của SingHealth sẽ giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến căn bệnh này.

Câu hỏi từ catbear

Thưa bác sĩ Wee, cha tôi đã 67 tuổi, gần đây ông hay có những triệu chứng mà tôi nghĩ là TIA – Cơn thiếu máu não thoáng qua (chẳng hạn như chóng mặt, không giữ được thăng bằng, mất thị giác tạm thời). Tôi lo là ông sẽ mắc bệnh đột quỵ giống như ông nội tôi trước đó. Bác sĩ của ông cũng đã chỉ định dùng thuốc điều trị cao huyết áp. Ông cũng sử dụng atorvastatin (thuốc hạ cholesteron trong máu) từ tháng sáu năm ngoái. Tôi muốn hỏi liệu những phương thuốc này có làm chậm quá trình khởi phát hay thậm chí là ngăn ngừa căn bệnh đột quỵ không? Ngoài ra, còn có cách nào khác để phòng bệnh, vì cha tôi không thích cũng không muốn thay đổi chế độ ăn của mình?

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào Catbear, các triệu chứng mà bạn đã đề cập là vấn đề đáng lo ngại – đặc biệt là việc mất thị lực tạm thời 1 bên mắt. Bạn không sai khi nghi ngờ rằng đây có lẽ là dấu hiệu đột quỵ. Tôi khuyên bạn nên đưa cha mình đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có những chẩn đoán chính xác và chi tiết hơn. Bệnh cao huyết áp mà cha bạn mắc phải là một trong những nguyên cơ chủ yếu của đột quỵ. Việc đã tiếp nhận điều trị dĩ nhiên là điều tốt, tuy nhiên nếu cha bạn mắc bệnh đột quỵ tạm thời, ông có lẽ sẽ cần can thiệp điều trị nhiều hơn, chứ không chỉ đơn giản là thuốc hạ huyết áp và cholesterol. Bác sĩ điều trị sẽ dựa trên các kết quả đánh giá về các nguyên nhân gây bệnh để điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp cho cha bạn. Chúc bạn điều tốt lành.

Câu hỏi từ dylan77 (Republished by Forum Admin)

Thưa bác sĩ, tôi nhận thấy là ba mẹ tôi đều có nồng độ cholesterol rất cao nhưng lại không thích nghe những lời khuyên về việc phải ăn như thế nào để cân bằng dinh dưỡng. Tôi đã luôn nhắc nhở họ rằng ăn thực phẩm chiên hoặc ăn ở ngoài quá nhiều mỗi ngày thì không tốt chút nào nhưng ba mẹ tôi vẫn không cho đó là vấn đề bởi vì họ vẫn dùng thuốc hạ cholesterol đều đặn. Điều này có đúng không? Bác sĩ có thể gợi ý cho tôi một số loại thực phẩm hiệu quả để ngăn ngừa đột quỵ? Trong một tuần thì ba mẹ tôi có thể ăn gà rán bao nhiêu là ổn? Và phương pháp tập luyện nào là thích hợp để giúp họ ngăn ngừa căn bệnh này? Ba mẹ tôi đều vào khoảng 60 và vẫn còn đi lại bình thường.

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào Dylan77, Cảm ơn câu hỏi của bạn. Bản thân tôi cũng đang chăm sóc cho cha mẹ mình và họ đều lớn tuổi nên tôi hiểu rất rõ nỗi lo lắng của bạn cũng như nhiều người khác khi phụng dưỡng những bậc sinh thành, và thật sự là một điều khó khăn để thay đổi tư tưởng của họ. Nếu có thể, bạn hãy nói với cha mẹ mình rằng Bác sĩ Wee đã khẳng định không một loại thuốc hạ cholesterol nào có thể đảm bảo cho chế độ ăn uống bất hợp lý.

Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng có lẽ hơi khó để chia sẻ trên diễn đàn này, nhưng bạn có thể tìm hiểu ở hội “My Healthy Plate”. Ở đây sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

https://www.healthxchange.sg/food-nutrition/food-tips/healthy-eating-what-should-you-put-on-plate

Họ có thể ăn gà rán bao nhiêu lần một tuần? Khó có thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác.

Nhìn chung, bản chất của việc sở hữu một sức khỏe tốt nằm ở cách chúng ta duy trì chế độ dinh dưỡng ở mức tốt nhất có thể; chứ không phải là cố gắng xác định lượng thực phẩm xấu tối đa mà mỗi người có khả năng tiêu thụ để tránh cho cơ thể phải chịu tổn thương hay bệnh tật, chẳng hạn như các cơn đột quỵ hay đau tim và những tình trạng trầm trọng hơn.

Ngoài ra cũng nên xem xét các thay đổi khác trong phong cách sống, ví dụ như lên kế hoạch tập thể dục đều đặn, về dài hạn, điều này đã được chứng minh là làm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim và mạch não.

Câu hỏi từ ABF (Republished by Forum Admin)

Tôi là một người phụ nữ ở đầu độ tuổi 30. Vào khoảng đầu 20 tuổi, tôi đã biết nồng độ cholesterol trong cơ thể mình khá cao. Bác sĩ điều trị cho tôi khi ấy đã nói rằng tình trạng này thường ít gặp ở những người có độ tuổi như tôi, nhưng ông cũng cho rằng chưa cần phải dùng thuốc ở thời điểm hiện tại vì tôi còn quá trẻ và cholesterol cần nhiều năm để tích tụ thành mỡ. Tôi không nghĩ vấn đề nằm ở việc ăn uống bởi vì tôi rất nghiêm túc thực hiện chế độ tránh xa thực phẩm chiên rán và đầy dầu mỡ, ngoại trừ một vài lần thưởng thức trong các dịp đặc biệt. Có vẻ như liên quan đến vấn đề di truyền nhiều hơn bởi vì mẹ tôi đã thực hiện kiểm tra và kết quả cho thấy bản chất cơ thể của bà đã sản sinh rất nhiều cholesterol. Mẹ tôi đã bị đột quỵ nhẹ cách đây vài năm và cũng bắt đầu sử dụng statins từ khoảng thời gian đó. Hiện giờ thì bà đang ở cuối độ tuổi 50.

Thắc mắc của tôi là: Khi nào thì tôi nên đi khám bác sĩ để bắt đầu dùng thuốc? Việc điều trị bằng thuốc đối với bệnh nhân trẻ như tôi sẽ bao gồm những tác dụng phụ nào? Hiện tại tôi cũng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và đang cố gắng thụ thai. Tôi ngại phải dùng thuốc quá nhiều nhưng tôi cũng lo lắng sau khi chứng kiến mẹ mình trải qua cơn bệnh đột quỵ. Tôi muốn hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các phương pháp thiên về tự nhiên hơn, như men gạo đỏ (ví dụ: Hypocol)?

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào ABF, cảm ơn bạn đã chia sẻ với tôi vấn đề này; quả thật đây là trường hợp hiếm gặp. Bạn nói đúng, chẳng có loại thuốc nào mà không có tác dụng phụ cả. Các bác sĩ thường sẽ gợi ý sử dụng statin cho điều trị hạ cholesterol sau khi cẩn thận cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro. Những phương pháp điều trị sẽ còn mở rộng hơn nữa, đặc biệt là trong suốt thai kỳ và khi bào thai có khả năng bị ảnh hưởng.

Tôi nghĩ bạn nên thẳng thắn bàn luận vấn đề này với các bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa. Sắp xếp các buổi thảo luận định kỳ bởi vì một quyết định bắt đầu hay tạm ngưng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đều có thể thay đổi dựa trên tình trạng bệnh lý khác nhau (trong trường hợp của bạn là bệnh viêm khớp dạng thấp) và những biến chuyển trong từng giai đoạn bệnh.

Về việc điều trị theo hướng tự nhiên, tôi không có nhiều hiểu biết về phương diện này. Tuy nhiên, từ những bài báo trong các tạp chí y học thì men gạo đỏ được cho là có chứa lovastatin – một nhóm thuốc làm giảm nồng độ của cholesterol “xấu”. Điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc phương pháp thiên nhiên (men gạo đỏ) không hẳn là thoát ly hoàn toàn khỏi các tác dụng phụ từ statin.

Câu hỏi từ catlady

Thưa bác sĩ Wee, tôi bị bệnh đột quỵ tạm thời cách đây vài năm. Kể từ lúc đó, tôi cảm nhận cơ thể mình không còn như xưa nữa. Đã nhiều năm rồi nhưng thỉnh thoảng cánh tay của tôi vẫn bị tê cứng. Tuy nhiên khi tôi nhập viện ở khoa cấp cứu của bệnh viện, họ đã cho tôi xét nghiệm tổng thể nhưng lại không phát hiện bất cứ vấn đề gì. Tôi không chắc liệu tình trạng này có liên quan đến đột quy hay có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác? Tôi bị viêm đốt sống, đồng thời gặp vấn đề lưu thông máu kém do giãn tĩnh mạch.

Tôi muốn hỏi thêm về các triệu chứng thông thường và rõ ràng nhất cho thấy dấu hiệu mắc bệnh đột quỵ? Xin cho biết thêm, tôi hiện đã bước vào giai đoạn đầu tuổi 60. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào Catlady, cảm ơn câu hỏi của bạn. Sau đột quỵ hoặc một cơn thiếu máu não thoáng qua, người ta thường sẽ cảm thấy lo lắng và băn khoăn về tình trạng tái phát. Bạn đã có một quyết định vô cùng chính xác khi đến khoa cấp cứu A&E để tiến hành kiểm tra và đánh giá các triệu chứng. Việc không phát hiện ra điều khác thường thì bạn có thể yên tâm vì ít nhất điều đó có nghĩa là các triệu chứng đột quỵ đã không tái diễn.

Một số bệnh lý có thể gây ra cảm giác tê rần ở cánh tay. Cách tốt nhất để phát hiện vấn đề là tham khảo ý kiến chuyên môn. Bác sĩ thuộc chuyên khoa thần kinh có thể hỗ trợ cho bạn trong trường hợp này. Không phải tất cả các ca đột quỵ đều có thể nhận diện một cách dễ dàng, đặc biệt là khi các bác sĩ không có trình độ chuyên môn thích hợp. Tuy nhiên, hầu hết các ca bệnh đều có thể được phát hiện bằng cách sử dụng phương pháp F.A.S.T. Một đoạn video “Spot a Stroke” trong đường link dưới đây sẽ giải thích thêm về F.A.S.T và cung cấp nhiều thông tin hữu ích xung quanh căn bệnh đột quỵ. Hãy chia sẻ điều này với bạn bè của mình. https://www.youtube.com/watch?v=oyTxsJLUtq0

https://www.healthxchange.sg/stroke/essential-guide-stroke/stroke-act-fast

Câu hỏi từ healthblur

Trước đây tôi từng gặp một trường hợp mà người nọ đột ngột ngất xỉu trước mắt tôi và tôi đã rất sợ hãi. Tôi đã gọi cứu thương và may mắn là họ đã đến rất nhanh. Nhưng tôi nhớ rất rõ mình đã lóng ngóng như thế nào và chẳng biết phải làm sao. Nếu gặp ai đó lên cơn đột quỵ, tôi nên làm gì để giúp họ trong thời gian đợi xe cứu thương?

Nên để người bệnh bị đột quỵ nằm thẳng hay nghiêng về một bên? Nếu họ tỉnh lại thì có thể ngồi không? Có phải cho họ ăn hay uống gì không? Tôi có thể massage đầu hoặc cơ thể cho người bệnh không hay cứ để họ nằm yên như vậy? Trong lúc sơ cứu có cần nói chuyện với người bệnh để giữ cho họ tỉnh táo hay là để cho họ nghỉ ngơi? Tôi nghĩ nhiều người khác cũng sẽ có thắc mắc tương tự như vậy! Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào Healthblur, tôi thật sự cảm kích trước tấm lòng nhân ái của bạn và việc bạn đang cố gắng tìm hiểu thêm nữa để có thể giúp đỡ mọi người! Những bệnh nhân đột quỵ có một vài điểm khác biệt so với những người rơi vào tình trạng mất ý thức. Để bệnh nhân nằm xuống thực chất cũng không hỗ trợ gì nhiều vì họ đã ngất và không còn nhận thức, dĩ nhiên chúng ta vẫn nên chuyển bệnh nhân đến một nơi an toàn trong khi chờ xe cứu thương đến.

Nhiều bệnh nhân đột quỵ có thể gặp các vấn đề về nuốt, nên việc cho ăn hay uống lúc này rất dễ khiến họ bị sặc hoặc ngạt thở.

Điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là để cho họ ngồi vững ở một vị trí an toàn cho đến khi đội cứu hộ tới nơi. Trong thời gian đó, bạn có thể trò chuyện với bệnh nhân, điều này sẽ giúp họ bình tĩnh hơn.

Bạn cũng có thể tham khảo câu trả lời từ trường hợp của Catlady để tìm hiểu cách để xác định bệnh đột quỵ.

Câu hỏi từ Rachel

Gần đây, mẹ chồng của tôi bị đột quỵ và vẫn đang nằm viện. Chuyên gia vật lý trị liệu đã tiến hành một số phương pháp. Bà liên tục than đau và cố gắng gượng trong quá trình tiến hành trị liệu nên tôi đã yêu cầu dừng việc này lại.

Tôi muốn hỏi là sau tai biến bao lâu thì nên thực hiện vật lý trị liệu / phục hồi chức năng hoặc các điều trị tương tự như vậy? Tôi có cảm giác mình như bị bổ làm hai khi vừa phải lắng nghe ý kiến của mẹ vừa phải tham vấn chuyên gia. Liệu có cách thức phục hồi nào nhẹ nhàng hay phù hợp hơn, để cho người lớn tuổi dễ dàng tiếp nhận không?

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào Rachel, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi và tôi rất lấy làm tiếc khi nghe về tình trạng của mẹ chồng bạn.

Thực hiện phục hồi chức năng là phần không thể thiếu khi điều trị đột quỵ và cũng là việc rất quan trọng giúp cơ thể có thể trở lại những sinh hoạt bình thường. Thực hiện phục hồi chức năng sớm trong vòng 2-3 ngày khi nhập viện thường là hợp lý, tuy nhiên thời gian tối ưu để  bệnh nhân thực hiện phục hồi chức năng lần đầu thì không được đề cập rõ ràng trong các tài liệu y khoa.

Mỗi một chỉ định thực hiện phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân đều khác nhau và phải xem xét sự thiếu hụt trong các chức năng cơ bản của họ cũng như những vấn đề do đột quỵ gây ra. Vì vậy, phục hồi chức năng không chỉ đơn giản là thực hiện một chế độ tập luyện thông thường mà phù hợp với độ tuổi của người bệnh.

Câu hỏi từ Rachel

Bác sĩ cũng nói rằng ông đã cho mẹ tôi dùng một liều nhỏ thuốc paracetamol hay aspirin gì đó – Tôi không nhớ chính xác – mà có tác dụng làm loãng máu. Vậy uống thuốc nào là đúng? Hai loại này có giống nhau không?

Dùng thuốc này với liều lượng thấp có ảnh hưởng gì đến tim hay không, bởi tôi cũng muốn giúp bố tôi ngăn ngừa bệnh đột quỵ mà ông thì đang mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim?

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Để phòng ngừa sau khi bị đột quỵ thì thông thường nên sử dụng aspirin. Tuy nhiên, thuốc này lại mang nhiều nguy cơ gây ra xuất huyết và vì vậy thường không dành cho những người mắc bệnh tim hoặc đã bị đột quỵ trước đó. Với những người này, nguy cơ xuất huyết có thể còn cao hơn cả nguy cơ lên cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Câu hỏi từ gemini29

Chào bác sĩ, đã 2 năm kể từ khi ba tôi mắc phải cơn thiếu máu não cục bộ và mọi thứ đều ổn trừ việc ông có tầm nhìn đôi (chứng song thị). Bệnh này có thể chữa được không? Hay cuối cùng sẽ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn? Tôi mong sẽ nhận được lời khuyên từ bác sĩ. Cảm ơn rất nhiều.

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào Gemini29, Cảm ơn về câu hỏi của bạn. Đúng là đôi khi đột quỵ có thể gây ra chứng song thị. Khi tình trạng này xảy ra, nguyên nhân chủ yếu thường là do lệch trục nhãn cầu. Ví dụ, khi nhìn vào một vật, một bên mắt thì hướng về vật đó, ảnh của vật sẽ xuất hiện trên hoàng điểm (vùng thấy rõ nhất), trong khi hướng nhìn của bên còn lại bị lệch, do đó ảnh của vật không rơi vào vùng này, hệ quả là họ sẽ nhìn thấy cả hai hình ảnh: một ảnh thật và một ảnh mờ.

Tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột và gây tổn thương cho các mô não. Trừ khi là bị tái phát, nếu không các tổn thương này thường sẽ không tiến triển theo thời gian. Thời gian hồi phục tối đa cũng chỉ tầm khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm. Nếu như cha bạn vẫn còn triệu chứng song thị, việc đầu tiên cần làm là xác nhận với bác sĩ rằng điều này là do lệch trục nhãn cầu gây ra. Một khi đã xác định, trong một số trường hợp, tầm nhìn bệnh nhân sẽ được cải thiện bằng cách cho họ đeo kính với tròng kính được thiết kế đặc biệt.

Câu hỏi từ sl190994

Chào bác sĩ. Dì tôi năm nay 50 tuổi và đã từng lên cơn đột quỵ cách đây 1 năm, dì hay gặp phải các cơn tê ngứa giống như có hàng vạn con kiến đang bò trên các ngón tay, nửa người bên phải lại thấy có lúc nóng lúc lạnh, thỉnh thoảng cánh tay trái của dì hoàn toàn không có cảm giác. Có cách nào để dì tôi có thể đối phó với vấn đề này tốt hơn không? Nếu như phải uống thuốc thì dì ấy sẽ phải chịu những tác dụng phụ gì? Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian giải đáp thắc mắc của tôi.

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào sl190994, cảm ơn câu hỏi của bạn. Trên thực tế, chỉ có một số lượng rất ít người phải chịu ảnh hưởng từ hội chứng đau sau đột quỵ, ý tôi là những tổn thương và cảm giác khó chịu mà họ phải trải qua trong suốt quá trình hồi phục.

Tuy nhiên tôi khó có thể đưa ra lời khuyên nào khi mà tôi chưa nhìn qua tình trạng thực tế của dì bạn. Vấn đề này cần phải được chẩn đoán đúng cách. Hãy đưa dì của bạn đến gặp các bác sĩ thần kinh để được kiểm tra chi tiết.

Câu hỏi từ mshong

Chào bác sĩ Wee, ba tôi (60 tuổi) đã lên cơn tai biến vào tháng 8 năm 2016 và được ra viện vào tháng 12. Ông từng có giai đoạn mất khả năng ngôn ngữ nhưng may mắn là ông đã phục hồi chức năng ở tất cả các chi. Tuy nhiên, ba tôi vẫn than phiền rằng cứ thỉnh thoảng lại bị choáng bất kể là ông có ngủ bao nhiêu tiếng đi nữa. Tôi muốn biết liệu điều này có bình thường không? Ba tôi phải làm gì để đối phó với những cơn choáng váng này? Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào mshong, tôi rất lấy làm tiếc khi nghe về tình trạng của cha bạn. Mặc dù gặp phải tình trạng mất ngôn ngữ nhưng điều đáng mừng là ông đã có thể hoạt động tay chân trở lại.

Choáng váng là một dấu hiệu khá mơ hồ và có thể phát sinh từ một loạt các vấn đề khác nhau. Đối với những bệnh nhân đột quỵ, nguyên nhân thường gặp là do tình trạng thể chất còn suy yếu và chưa ôn định sau khi lên cơn tai biến. Cha bạn cũng đang gặp vấn đề về khả năng ngôn ngữ nên ông khó có thể diễn tả các triệu chứng của mình một cách chi tiết nhất.

Bác sĩ gia đình có lẽ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc nhận thức các nguyên nhân gây choáng váng và xem xét tiến hành các kiểm tra ban đầu cũng như đề xuất các phương pháp điều trị thích hợp.

Câu hỏi từ Lizlim

Thưa bác sĩ Wee. Gia đình tôi có gen bệnh huyết áp cao và đột quỵ. Tôi có nghe về một phương pháp tầm soát đơn giản và không xâm lấn, gọi là siêu âm động mạch cảnh. Tôi nghĩ cách này có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn các cơn đau về mặt thể chất và tinh thần (ý tôi là giảm bớt chi phí ý tế) cho mỗi cá nhân và mỗi quốc gia nếu xét trong dài hạn. Liệu có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm này tại phòng khám đa khoa Govt được không, ít nhất là cho những bệnh nhân có rủi ro cao như tôi? Và chúng ta có thể phát triển nó rộng khắp Singapore hay không?

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào LizLim, cảm ơn về bài viết của bạn. Tôi mừng là bạn có ý thức trách nhiệm cao về việc duy trì và tìm cách kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe của chính mình. Câu trả lời cho câu hỏi của bạn khá là dài, nên tôi sẽ chia thành nhiều phần và cố gắng giài thích để bạn nắm được vấn đề.

Bạn hoàn toàn chính xác khi nói rằng siêu âm mạch cảnh là một phương pháp tương đối đơn giản, đây cũng là xét nghiệm dùng để chẩn đoán tình trạng bệnh lý động mạch cảnh mà không gây đau đớn cho bệnh nhân. Cách thăm khám hình ảnh này hiện đã có mặt tại một số bệnh viện nhà nước ở Singapore.

Việc tầm soát sức khỏe nằm ngoài trình độ chuyên môn của tôi và một điều chắc chắn là xét nghiệm này sẽ được tiến hành dưới sự giám sát của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số nguyên nhân dịch tể học có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn lý do tại sao mà tầm soát siêu âm động mạch cảnh lại thường không được khuyến khích tại Singapore.

Để dơn giản hóa, chúng ta bắt đầu thảo luận từ đề nghị của Ủy ban đặc trách phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ. Vào năm 2014, họ đã đưa ra những khuyến cáo cho rằng không nên tầm soát bệnh lý hẹp động mạch cảnh một cách thường quy đối với người dân.

Có một vài lý do giải thích cho kiến nghị này, một trong số đó là vì tỷ lệ mắc bệnh này ở Mỹ rất thấp – khoảng 0.5 -1%. Ở những cộng đồng châu Á như Singapore, số lượng người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này thậm chí còn ít hơn.

Thêm vào đó, ngay cả khi phát hiện tình trạng hẹp động mạch cảnh, điều trị thông thường vẫn là theo dõi và kiểm soát các nhân tố có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hay tình trạng tăng huyết áp và nồng độ cholesterol mà những cái này thì đã nằm trong danh sách đề nghị của Bộ Y tế. Do đó dường như chẳng có lợi ích gì nhiều nên tôi cũng không thể gợi ý phương pháp này cho tất cả mọi người.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là các bác sĩ không thể khuyến khích bệnh nhân của họ tiến hành xét nghiệm này, miễn là vẫn dựa trên tình trạng rủi ro riêng biệt của từng bệnh nhân, các trường hợp bệnh lý khác nhau và các kết quả kiểm tra cụ thể.

Một số bệnh nhân vẫn có thể nhận được một vài lợi ích sau khi tiến hành xét nghiệm tầm soát này; chỉ là đối với số đông ca bệnh, phương pháp này hầu như chẳng giúp ích được gì.

Hy vọng những gì tôi chia sẻ có thể giải đáp thắc mắc của bạn.

Trân trọng

Câu hỏi từ MKK

Chào bác sĩ Wee Chee Keong:

Tôi ở độ tuổi tầm 60 và đang sử dụng thuốc statin để kiểm soát tình trạng cholesterol trong cơ thể. Tôi cũng cảm thấy khó thở nếu như di chuyển nhanh qua một cây cầu thật cao và vì vậy tôi phải sử dụng ống thở với định liều seretide.

Tôi sống một mình trong một khu chung cư yên tĩnh, ở đó sử dụng thẻ từ truy cập bảo mật mới có thể vào được sảnh thang máy (và dĩ nhiên là căn hộ của tôi cũng thế)  (nói cách khác, hoàn toàn không có một bảo vệ nào túc trực 24/7). Thị trường người lao động ở Singapore ngày càng khan hiếm cho nên tỳ lệ số người nhận công việc bảo vệ cũng rất ít, vì vậy mà phần lớn các chung cư đều sử dụng CCTV hoặc là các thiết bị điện tử để đảm bảo an ninh.

Trong trường hợp mà tôi có bất kỳ dấu hiệu nào của FAS và gọi cấp cứu theo số 995, tôi có một vài thắc mắc muốn hỏi bác sĩ như sau:

(a) Tôi có nên ngay lập tức uống aspirin không – Điều này liệu có giúp ích gì không hay sẽ càng nguy hiểm hơn bởi vì tình trạng sức khỏe của mỗi người là khác nhau?

(b) Tôi có nên lập tức dùng thang máy để di chuyển xuống khu vực chờ của chung cư, sau đó chỉ việc ngồi đó đợi các nhân viên y tế không, vì sẽ thuận tiện và dễ dàng tiếp cận hơn khi họ đến nơi?

(c) Trong trường hợp tôi rơi vào tình trạng mất ý thức, bác sĩ có thể cho tôi biết là liệu rằng các nhân viên y tế có đủ khả năng và phương tiện cần thiết để tiến hành xử lý các tình huống khẩn cấp hay không (ví dụ, xóa bỏ bảo mật hay đập vỡ cửa chính sảnh thang máy), ngay cả khi đó họ có thể giữ vững suy nghĩ cứu người hoặc giảm thiểu mức độ tổn thương xuống thấp nhất để người bệnh có nhiều khả năng hồi phục hơn hay không?

Cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào MKK, Bạn thật sự đã nói đúng vào trọng điểm! Tôi thật sự cũng không biết chính xác khả năng của các nhân viên cứu hộ SCDF khi họ phải tiếp cận những bệnh nhân bị ngăn cách bởi các rào cản hữu hình. Mặc dù vậy tôi nghĩ rằng việc này có lẽ chỉ nằm trong phạm vi nhiệm vụ của các lực lượng thực hiện công tác cứu hỏa tại SCDF. Vậy nên nếu có thể, hãy cố gắng đến một nơi nào đó an toàn và người ngoài có thể dễ dàng tiếp cận bạn.

Với câu hỏi về aspirin, khoảng 20% các ca đột quỵ ở Singapore có nguyên nhân từ sự thiếu máu lên não nhiều hơn là do tắc nghẽn mạch máu, nên tôi khuyên bạn không nên dùng thuốc này, nhất là khi bạn chỉ cần vài phút là có thể tiếp cận với các khoa cấp cứu tại hầu hết các nơi ở Singapore.

Trân trọng, Chee Keong

Câu hỏi từ EMC

Chào bác sĩ, bệnh nhân đột quỵ thường có thể tiếp tục sống trong khoảng thời gian bao lâu?

Bác sĩ Wee Chee Keong trả lời

Chào EMC, Cảm ơn về câu hỏi của bạn. Vấn đề này hơi khó để trả lời. Đối với những bệnh nhân có cơn thiếu máu cục bộ (đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu), số lượng tử vong trong một năm là vào khoảng 20% – số liệu lấy từ sổ theo dõi bệnh đột quỵ tại Singapore. Phần lớn trường hợp phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân khi mà họ lên cơn đột quỵ, và tình trạng ở những người cao tuổi thì có xu hướng tệ hơn so với những người trẻ.

Từ các nghiên cứu được theo dõi trên nhiều bệnh nhân đột quỵ trong suốt 20 năm, người ta nhận ra rằng những ai sống sót sau cơn đột quỵ sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người khác; nguyên nhân cụ thể của vấn đề này vẫn chưa được xác định và với những kiến thức y học hiện nay thì chưa đủ để các bác sĩ dự đoán chính xác tuổi thọ của bệnh nhân sau khi họ trải qua cơn đột quỵ.

Trân trọng, Chee Keong

Nguồn: HealthXchange Singapore

Di chuyển lên đầu