Chỉ cần bạn tuyên bố “Tôi muốn nuôi con bằng sữa mẹ”, rồi bạn sẽ nhận được một loạt các lời khuyên khác nhau. Bất kể đó là người thân hay bạn bè thì họ cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ cho bạn rất nhiều điều, nếu không phải là ý kiến của riêng họ thì cũng là câu chuyện trải nghiệm của chính họ. Nhưng làm thế nào bạn biết đâu mới là sự thật đằng sau hàng tá suy nghĩ ấy? Hôm nay, chúng tôi sẽ vén bức màn bí mật về việc nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời đưa ra những lý giải vì sao bạn nên dừng việc tin tưởng vào 9 suy nghĩ kỳ lạ sau đây.
Suy nghĩ 1:
Mẹ có vòng 1 “khiêm tốn” thì sẽ không thể tạo đủ sữa cho con.
Thực tế 1:
Kích cỡ ngực không liên quan đến khả năng tạo sữa.
Bạn đã từng nghe qua câu nói này chưa: “Kích cỡ không phải là vấn đề”? Có lẽ không thể áp dụng cho mọi tình huống nhưng ít nhất thì câu này đúng cho trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ. Đại diện phát ngôn của Hiệp hội Sữa Quốc Tế, bà Judith Lauwers đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này: “Các mô vú cần thiết cho việc nuôi dưỡng một đứa bé đều sẽ phát triển để đáp ứng thai kỳ bất kể kích thước khuôn ngực của bạn to nhỏ ra sao.”
Suy nghĩ 2:
Lượng sữa mà máy bơm hút được chính là lượng sữa mà cơ thể có thể tạo ra.
Thực tế 2:
Bạn không thể đánh giá chính xác khả năng cung cấp sữa của bản thân chỉ bằng cách nhìn vào lượng sữa được hút qua máy bơm.
Đối với những người mẹ đã có kinh nghiệm cho con bú và đã từng vắt sữa qua ống bơm hoặc bằng tay thì chắc chắn họ nhận thức được sự khác biệt rõ rệt. Động tác bú của con sẽ tạo ra một lực hút tự nhiên hơn – bé có thể tiêu thụ từ 3-4 ngụm sữa cho một cử bú – trong khi đó lực hút từ ống bơm lại đòi hỏi phải có áp lực âm tính nên đôi khi chỉ tạo ra 1-2 ngụm sữa. Vì vậy đừng vội chán nản khi nhận thấy lượng sữa mình bơm ra được quá ít. Bạn chỉ cần nhớ rằng bơm được bao nhiêu sữa đi nữa thì cũng không phản ánh được lượng sữa mà bạn có thể tạo ra.
Suy nghĩ 3:
Bạn cần phải lau hoặc rửa sạch núm vú trước khi cho con bú.
Thực tế 3:
Luôn có một lớp dầu nhờn bảo vệ quanh khuôn ngực, vì vậy bạn không nhất thiết phải lau rửa núm vú.
Nếu như cho con bú bình, bạn không thể bỏ qua một quy trình quan trọng là khử trùng bình sữa và núm vú giả. Như vậy thì tương tự trong trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cũng phải vệ sinh núm vú của mình? Câu trả lời là: Chỉ cần bạn thường xuyên vệ sinh hàng ngày thì không thật sự cần thiết phải làm như vậy. Bởi vì các tuyến vú sẽ tiết ra chất nhờn có tác dụng bảo vệ núm, cho nên việc lau rửa là hoàn toàn không cần thiết, ngược lại còn có thể làm mất đi lớp bảo vệ này và dẫn đến tình trạng khô nứt núm vú.
Suy nghĩ 4:
Sữa mẹ không đủ dinh dưỡng cho bé.
Thực tế 4:
Sữa mẹ chứa các kháng thể và enzym có lợi cho bé.
Sữa mẹ không thể nào cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho con – Đây là một suy nghĩ sai lầm và bạn không cần thiết phải lo lắng về vấn đề này. Bởi vì sữa mẹ chính là dạng dinh dưỡng hoàn thiện nhất dành cho bé. Các loại sữa bột thay thế khác chỉ là sản phẩm nhân tạo mô phỏng những lợi ích của sữa mẹ. Tuy nhiên dù cố gắng như thế nào thì vẫn tồn tại sự khác biệt rõ ràng, khi sữa mẹ có chứa kháng thể, tế bào sống và enzym, còn các loại sữa bột khác thì hoàn toàn không có.
Suy nghĩ 5:
Đứa bé cần phải được cho bú mỗi 2 giờ đồng hồ.
Thực tế 5:
Bạn không nhất thiết phải cho con bú theo một lịch trình chính xác tới từng giây từng phút.
Có rất nhiều người mẹ thích lên hẳn một lịch trình nhất định, chẳng hạn như cho con bú sau mỗi 2 giờ đồng hồ, nhưng dù vậy điều này cũng không có nghĩa là bạn phải xem đó như một quy luật mà nhất nhất tuân theo. Thay vì cứ mải nhìn vào đồng hồ, bạn nên tập trung vào nhu cầu của bé hơn là đi theo một thời gian biểu cụ thể. Nếu như con bạn đói bụng, mà vẫn chưa qua 2 giờ đồng hồ thì hãy quên ngay quy luật đó đi và bắt đầu cho con bú. Ngoài ra, cũng không thật sự cần thiết phải chia giờ rồi lên lịch cho con bú. Mỗi một đứa trẻ đều có yêu cầu khác nhau, cho nên quan trọng hơn hết là bạn phải biết được khi nào con đói và kịp thời đáp ứng nhu cầu của con.
Suy nghĩ 6:
Nếu như bé bú nhiều, có nghĩa là bé đã không nhận được đủ sữa.
Thực tế 6:
Bé có thể bú chỉ vì thích chứ không phải vì đói.
Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, vậy nên thường thì bạn sẽ phải cho bé bú mỗi 2-3 giờ đồng hồ. Cho con bú thường xuyên và liên tục không hẳn là thước đo để bạn đánh giá xem con đã nhận được đủ lượng sữa cần thiết hay chưa, bởi vì đôi khi việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đơn giản nhằm mục đich thỏa mãn cơn đói của các bé. Con bạn có thể thích cảm giác thoải mái và ấm áp khi được tựa gần vào bạn, đồng thời tiếp xúc da kề da cũng giúp bé cảm thấy an tâm hơn.
Suy nghĩ 7:
Không nên cho con bú sữa non bởi vì sữa này không sạch.
Thực tế 7:
Sữa non là nguồn dinh dưỡng dồi dào và có thể tạo kháng thể tốt nhất cho bé.
Nhiều bà mẹ mong đợi rằng họ sẽ tạo ra dòng sữa có màu trắng. Tuy nhiên, trong vài ngày đầu tiên sau sinh, mẹ sẽ tiết ra một lượng chất lỏng đặc có màu vàng gọi là sữa non. Đừng lo lắng, loại sữa này không phải bị dơ hay bẩn mà thật ra có chứa rất nhiều protein và kháng thể cần thiết giúp bảo vệ đứa bé tránh bị nhiễm trùng. Sữa non cũng có tác dụng như một loại thuốc nhuận tràng có thể hỗ trợ cho lần đi ngoài đầu tiên của bé.
Suy nghĩ 8:
Không nên cho con bú khi bạn bị bệnh.
Thực tế 8:
Cho con bú ngay cả khi bạn bị bệnh cũng hoàn toàn không có vấn đề.
Sữa mẹ có chứa kháng thể và các thành phần kháng khuẩn có thể bảo vệ con bạn khỏi bệnh và các vi rút lây bệnh mà bạn đang mắc phải. Thông thường, vi rút gây bệnh đã ngấm ngầm thâm nhập vào cơ thể trước cả khi xuất hiện các triệu chứng cụ thể, cho nên nhiều khả năng là con của bạn đã sớm tiếp xúc với chúng trước đó. Thực tế là bạn nên cho con bú nhiều hơn khi bạn bị bệnh, vậy thì con của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Suy nghĩ 9:
Bạn không thể mang thai trong thời gian cho con bú.
Thực tế 9:
Vẫn có cơ hội thụ thai trong thời gian cho con bú.
Theo một vài chuyên gia từ tổ chức La Leche League International, các hormone tiết ra trong quá trình cho con bú có thể ngăn chặn sự rụng trứng, tuy nhiên điều này cũng không đảm bảo rằng bạn sẽ không thụ thai. Trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn liên tục trong 6 tháng đầu và không xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt, thì khả năng thụ thai sẽ kém hơn, nhưng tốt nhất bạn không nên sử dụng việc cho con bú như một biện pháp để tránh thai.
Bạn có thể sẽ nghe qua một loạt các kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ từ nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên không phải điều nào cũng đúng đắn và có căn cứ khoa học. Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia tư vấn hoặc bác sĩ nhi. Thời gian đầu có lẽ sẽ rất gian nan nhưng dần dà bạn sẽ nhận ra rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn không hề phức tạp, đồng thời cả bạn và bé đều sẽ nhận được những lợi ích cực kỳ to lớn.
Nguồn: http://babyandbreakfast.ph/2018/05/28/9-breastfeeding-myths-you-need-to-stop-believing/