Người mẹ già cùng câu chuyện hiến tạng đầy cảm xúc và phép màu
Với người phụ nữ 46 tuổi Shirley Lau, thời gian không còn lại bao lâu. Cô bị suy thận, nhưng nhiều tháng trôi qua, cô đã từ chối lựa chọn duy nhất có thể duy trì sự sống – chính là đề nghị hiến tạng từ mẹ ruột của mình.
Bởi vì cô lo rằng, mẹ đã 75, bà quá già để có thể chịu được những nguy hiểm như thế này. Cô thậm chí cũng không muốn 2 người em trai của mình tiến hành xét nghiệm, vì một người thì mắc ung thư còn một người thì chỉ vừa mới lập gia đình.
Sau nhiều thời gian đắn đo, cô quyết định chấp nhận lời đề nghị của mẹ, tuy nhiên cô vẫn không vơi đi nỗi lo ngay cả khi kết quả cho thấy rằng mẹ cô là người hiến tạng phù hợp nhất.
Mẹ cô không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác (như tiểu đường hay cao huyết áp) và các chức năng thận của bà cũng đang hoạt động rất tốt.
Cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp vào một ngày tháng 7 và bà Chee Leng Yin trở thành người hiến tạng sống có độ tuổi lớn nhất tại Singapore, lớn hơn 4 tuổi so với người nắm giữ kỷ lục đã được ghi nhận trước đó.
Ngày hôm qua, các bác sĩ cấy ghép từ Bệnh viện Đa khoa Singapore (Singapore General Hospital) đã khuyến khích hai mẹ con chia sẻ câu chuyện của mình cho cộng đồng, với mong muốn rằng những người trong tình trạng tương tự sẽ không phải do dự khi yêu cầu hoặc chấp nhận ý định hiến tạng từ một người thân đã lớn tuổi.
‘Tôi đã lo nghĩ rất nhều về vấn đề tuổi tác của mẹ nhưng bà đã thuyết phục tôi hãy để bà làm những xét nghiệm này…Tôi đã không nghĩ bà có thể vượt qua,’ chia sẻ từ chị Lau – nhân viên giao dịch tài chính tự do.
Cố vấn của Khoa Thận (SGH), bác sĩ Terence Kee khẳng định đây là một quan niệm sai lầm và cần phải được chấn chỉnh ngay, dù người hiến tạng đã cao tuổi nhưng miễn là họ khỏe mạnh, ‘rủi ro phát sinh tuyệt đối không nhiều hơn so với những người hiến trẻ tuổi.’
Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân cấy ghép đều có cùng một tỷ lệ sống sót lên đến 5 năm, bất kể độ tuổi của người hiến tạng là bao nhiêu đi nữa.
Hiện tại không có giới hạn về độ tuổi tối đa dành cho những người hiến tạng còn sống. Đối với những người đã chết, độ tuổi hiến tạng quy định là 60 trở xuống, nhưng bắt đầu từ tháng sau, giới hạn này sẽ được nâng lên dựa trên những thay đổi trong Đạo Luật Cấy Ghép Nội Tạng Ở Người.
Năm vừa qua có tổng cộng 83 trường hợp người hiến thận còn sống. Và 25 quả thận được lấy từ người hiến đã chết.
Tuy nhiên, bên cạnh 108 ca cấy ghép thận thành công thì cũng có rất nhiều người đánh mất cơ hội sống trong thời gian chờ đợi và tìm kiếm tạng thích hợp. Bác sĩ Kee cũng chia sẻ rằng thời điểm này hiếm có người nào suy nghĩ tìm đến những người hiến tạng cao tuổi.
Tại SGH, trong số 30 ca cấy ghép tạng từ người còn sống, chỉ có duy nhất 1 người ở độ tuổi trên 60.
Một số quốc gia như Nhật Bản và Na uy với nguồn tạng hiến chủ yếu từ người còn sống thì độ tuổi của người hiến thậm chí còn lên đến 80. Nhưng ở Singapore, yêu cầu hiến tạng xuất phát từ một thành viên trong gia đình thường sẽ vấp phải sự phản đối.
Bác sĩ Kee giải thích: ‘Khi tôi hỏi lý do tại sao thì thường sẽ nhận được 2 câu trả lời sau, vì vấn đề tuổi tác và bệnh nhân không muốn liên lụy đến người hiến vì họ còn có gia đình riêng của mình, hoặc là do bệnh nhân muốn một mình chịu đựng và chờ đợi cho đến khi tìm được một quả thận thích hợp từ người đã chết.’
Đây cũng là những phản hồi đầu tiên của chị Lau. Những vấn đề về thận đã xuất hiện khi cô chỉ là một đứa trẻ và bắt đầu tiến tới giai đoạn cuối của suy thận vào năm 2003.
Một lựa chọn khác dành cho cô là tiến hành chạy thận nhân tạo rồi đăng ký số thứ tự trong danh sách chờ hiến tạng với hơn 500 người cùng thời gian 9 năm dài đằng đẵng. Cô đã chuẩn bị sẵn tâm lý để sống chỉ dựa vào chút chống đỡ cuối cùng của thận mà không thực hiện bất kỳ phương pháp lọc thận nào.
Dĩ nhiên mẹ của cô không bao giờ đồng ý. ‘Tôi đã dùng mọi cách, từ mềm mỏng đến gay gắt chỉ để thuyết phục con bé. Tôi nói nó phải chấp nhận chuyện này. Mẹ già rồi thì sao cũng được nhưng con còn rất trẻ và còn cả một tương lai tươi đẹp phía trước’ – Bà Chee nghẹn ngào chia sẻ.
Ba tháng sau đó, cả người mẹ và cô con gái đều có thể trở lại cuộc sống thường ngày của họ.
Bà Chee cho biết: ‘Hiện giờ tôi đã có thể đi chợ, nấu cơm, giặt giũ và thực hiện một số bài thể dục buổi sáng.’
Tác giả: April Chong
Nguồn: Singapore Gerenal Hospital