Hầu hết những ai sắp sửa làm mẹ đều sẽ trải qua các biểu hiện như ốm nghén, đau lưng và mệt mỏi, nhưng còn hôi miệng và ngứa bụng thì sao?
Dưới đây là 12 biểu hiện kỳ lạ khi mang thai cũng như các tác dụng phụ của chúng mà có lẽ bạn chưa bao giờ nghe qua, nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi nội tiết tố hoặc đơn giản chỉ là vấn đề sinh lý.
1. Âm đạo bị biến sắc, chuyển sang màu xanh tái
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng trong thời gian mang thai, do lưu lượng máu trong cơ thể tăng nhanh nên âm đạo của bạn có thể chuyển sanh màu xanh nhạt. Tình trạng này xuất hiện sớm nhất vào 6 tuần đầu thai kỳ, nhưng không kéo dài. Âm đạo sẽ nhanh chóng trở lại màu sắc ban đầu sau khi sinh con.
2. Ngứa bụng
Khi mang thai, vùng da quanh bụng của bạn rất nhanh sẽ bị căng ra, điều này có thể dẫn đến tình trạng khô, ngứa và thường rất khó chịu. Bên cạnh đó cũng gây ra các vết rạn da rất đáng sợ. Tắm bằng nước mát là một cách để giảm ngứa, ngoài ra bạn cũng có thể thử bôi kem hoặc dầu dưỡng ẩm để xoa dịu làn da của mình.
3. Đường dọc giữa bụng bầu
Vài phụ nữ khi mang thai sẽ có một đường sẫm màu chạy từ rốn đến xương mu, gọi là đường “linea nigra” hoặc “pregnancy line”. Sự xuất hiện của đường sẫm màu này trong suốt thai kỳ liên quan đến việc thay đổi nội tiết tố. Sau khi sinh, đường dọc giữa bụng này sẽ dần mất đi – tuy nhiên có thể sẽ xuất hiện trở lại ở lần mang thai tiếp theo.
4. Hơi thở có mùi
Chẳng ai có thể nghĩ rằng đứa trẻ còn chưa sinh ra đời lại là nguyên nhân khiến cho mẹ bị hôi miệng. Thay đổi nội tiết tố có thể khiến cho các vi khuẩn đường miệng có cơ hội phát triển dữ dội hơn, kết quả là làm cho hơi thở có mùi, hoặc tệ hơn là chảy máu chân răng. Phụ nữ mang thai dễ gặp các vấn đề về răng miệng, do đó hãy thăm khám định kỳ tại các phòng khám nha để đảm bảo rằng bạn đang vệ sinh đúng cách.
5. Tóc mọc dày hơn
Phụ nữ mang thai thường nói rằng tóc của họ dày và bóng mượt hơn: Đây là kết quả của việc tăng nội tiết tố nam ở buồng trứng và nhau thai. Tuy nhiên, không chỉ tóc, cơ thể mẹ bầu còn có thể mọc lông ở những vị trí không mong muốn, như ngực, mặt, bụng và cánh tay. Dù vậy, bạn không cần phải lo lắng, tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh.
6. Tăng kích cỡ giày
Sưng bàn chân là một triệu chứng thường gặp trong thai kỳ – lượng nước được trữ lại bên trong làm cho bàn chân của bạn to hơn bình thường, tới mức đến một thời điểm nào đó bạn có lẽ phải cần một đôi giày mới. Đối với một số phụ nữ, bàn chân của họ sẽ trở lại kích thước ban đầu sau khi sinh, nhưng trong vài trường hợp, kích thước bàn chân của họ vẫn sẽ to như vậy. Hãy xem như đây là một cái cớ hợp lý để tậu cho mình thêm nhiều mẫu giày mới!
7. Ợ nóng
Chứng ợ nóng – hay trào ngược acid – là cảm giác khô nóng chạy ngược từ dưới xương ức lên cổ họng. Nguyên nhân là do nội tiết tố progesterone ở thai phụ làm giãn van ngăn cách thực quản với dạ dày, điều này có thể khiến cho acid dạ dày di chuyển ngược lên trên, gây ra cảm giác nóng rát ở cổ họng và ngực.
Bạn có thể giảm tình trạng ợ nóng bằng cách chia nhỏ các bữa ăn, giảm tiêu thụ các thực phẩm có vị cay, chứa nhiều dầu hoặc chất béo, hoặc các thức uống có ga, và nên uống nhiều nước. Nhai kẹo cao su cũng là cách để kích thích sản sinh nước bọt giúp trung hòa acid.
8. Thay đổi giọng nói
Bởi vì khi mang thai, lượng estrogen cũng như progesterone trong cơ thể tăng lên, khiến dây thanh quản có thể bị sưng, do đó làm thay đổi tông giọng của bạn. Phụ nữ mang thai thường có giọng nói trầm hơn, và thỉnh thoảng sẽ mất khả năng hát những nốt cao, dù vậy, họ lại có thể xử lý tốt những tông nhạc thấp hơn.
9. Són tiểu khi cười hoặc hắt hơi
Vì thai nhi đè ép lên bàng quang – do vậy mà mẹ bầu thường xuyên có nhu cầu đi vệ sinh – điều này cũng có nghĩa là với mỗi một kích thích dù là rất nhẹ, như cười hay hắt hơi, cũng có thể khiến họ són ra một ít nước tiểu. Mặc dù điều này có thể sẽ khiến cho bạn xấu hổ, nhưng đừng lo lắng: Bởi vì lượng nước tiểu không nhiều, nên bạn có thể sử dụng loại tã lót hàng ngày để che giấu một cách kín đáo. Thực hiện các bài tập kegel hàng ngày cũng có tác dụng củng cố cơ sàn chậu, giúp ngăn ngừa tình trạng són tiểu. Thít chặt cơ sàn chậu trong vòng 3 giây, sau đó thư giãn trong 3 giây, thực hiện 3 set như vậy (10 lần/set) trong 3 lần một ngày.
10. Hay quên
Suy giảm trí nhớ là một ảnh hưởng khác thường gặp khi mang thai, được gọi đùa là “baby brain”. Một số giả thuyết cho rằng não bộ của phụ nữ sẽ vận hành theo một cách khác khi họ mang thai, tuy nhiên, sự mệt mỏi cũng như căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ.
11. Đau ngực
Bộ ngực đầy đặn và nở nang hơn được xem là một lợi ích của việc mang thai – tuy nhiên chúng cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và ngứa ran. Các ống dẫn sữa đang dần phát triển để chuẩn bị cho con bú, đồng thời lượng máu di chuyển đến vùng ngực của bạn cũng tăng lên, làm cho các tĩnh mạch ở đây nổi rõ hơn.
12. Sự thay đổi nhũ hoa
Trong suốt thời gian mang thai, núm vú của mẹ bầu sẽ thay đổi hình dạng và cương lên thấy rõ, để chuẩn bị cho thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn cũng có thể chú ý thấy những vết sưng nhỏ trên núm vú – đây thực chất là các hạt Montgomery có tác dụng bảo vệ khu vực này không bị nhiễm trùng và bôi trơn cho vùng da tại đây. Đường kính của quầng vú cũng sẽ tăng lên, và vùng da xung quanh sẽ sẫm màu hơn, nhờ đó mà bé con có thể dễ dàng nhận biết núm vú của mẹ khi bạn cho con bú.
Nguồn: https://www.youngparents.com.sg/pregnancy-baby/weird-things-pregnant-body/?slide=1