Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 triệu trường hợp tử vong do nhiễm virus viêm gan B
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 triệu trường hợp tử vong do nhiễm virus viêm gan B. Đáng chú ý, Việt Nam là nước nằm ở top cao trong khu vực về tỉ lệ bệnh nhân nhiễm siêu vi viêm gan B và C. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 10-20% dân số (ước tính từ 12-16 triệu người) nhiễm virus viêm gan B, trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan. Viêm gan siêu vi B, C được xem là kẻ giết người thầm lặng do những biến chứng bệnh này gây ra.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng bia rượu, gan nhiễm mỡ…cũng là những yếu tố thúc đẩy gây viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.
Vì vậy việc kiểm tra có hay không nhiễm siêu vi viêm gan B, C; gan nhiễm mỡ do rượu hoặc không do rượu…là hết sức cần thiết nhằm tầm soát nguy cơ ung thư gan ở những đối tượng này.
Theo nhiều hiệp hội việc tầm soát ung thư gan chỉ khuyến cáo cho người lớn nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh cao không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị bệnh ung thư gan. Nhưng bạn cần phải khám và tầm soát bệnh đều đặn và thường xuyên. Nhờ đó, nếu khi bạn mắc bệnh ung thư sẽ được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và hiệu quả điều trị mang lại cao nhất.
Cùng với việc khám và kiểm tra đều đặn thường xuyên, bạn phải luôn “lắng nghe cơ thể” của bạn, có nghĩa là bạn cần phải chú ý những thay đổi của cơ thể như: vàng da, sụt cân…Khi có những triệu chứng này, bạn không được chậm trễ báo cho bác sĩ của bạn ngay.
Bệnh lý làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan:
- Nhiễm siêu vi viêm gan B, C mạn tính (chronic hepatitis B, C infection)
- Xơ gan (cirrhosis)
Những bệnh lý gây gia tăng nguy cơ bệnh xơ gan:
- Nhiễm siêu vi viêm gan B, C mạn tính
- Xơ đường mật nguyên phát (primary biliary cirrhosis)
- Bệnh chuyển hóa mang tính di truyền (inherited metabolic disease), bao gồm:
- Bệnh huyết sắc tố (hemochromatosis)
- Khiếm khuyết Alpha-1 antitrypsin
- Bệnh dự trữ glycogen (glycogen storage disease)
- Bệnh porphyrin da muộn (porphyria cutanea tarda)
- Bệnh tyrosin máu (tyrosinemia)
- Viêm gan tự miễn (autoimmune hepatitis)
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (non-alcoholic fatty liver disease)
Nếu bạn có bất cứ tình trạng rối loạn nào như trên, phải báo ngay cho bác sĩ nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư gan của bạn
Khám và kiểm tra người có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan (tuổi 21 đến 75)
- Siêu âm gan mỗi 6 tháng
- Xét nghiệm Alpha-fetoprotein (AFP) và/hoặc AFP-L3% trong máu mỗi 6 tháng
Trong trường hợp đã mắc ung thư gan, việc theo dõi và điều trị là do bác sĩ chuyên khoa quyết định
PGS TS BS Huỳnh Kim Phượng
Giám đốc Y khoa SIHG