• Device: 090 938 1187
  • Service: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

KINH NGUYỆT KÉO DÀI ( RONG KINH)

Rong kinh (kinh nguyệt kéo dài bất thường) có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau như u xơ tử cung, polyp tử cung hoặc thậm chí là ung thư.

Hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài còn được gọi là rong kinh – một bệnh lý phụ khoa phổ biến trên toàn thế giới. Tại Singapore đã có rất nhiều phụ nữ trì hoãn việc thăm khám kiểm tra tình trạng này và cuối cùng phải nhập viện để tiến hành truyền máu.

Mỗi một người phụ nữ đều có lượng máu kinh trong kỳ nguyệt san hoàn toàn khác nhau, vì vậy rất khó để cả bác sĩ và bệnh nhân có thể xác định chính xác cơ thể đã mất bao nhiêu máu. Chính vì lý do này mà rất nhiều phụ nữ cứ ngỡ kinh nguyệt của mình bất thường nhưng thực chất lượng máu đẩy ra bên ngoài lại nằm trong giới hạn bình thường và ngược lại.

Một chu kỳ kinh nguyệt chuẩn thường kéo dài trung bình 28 ngày hoặc trong khoảng thời gian từ 21-35 ngày (bắt đầu tính từ ngày “đèn đỏ” đầu tiên của mỗi kỳ). Số ngày ra kinh không nên kéo dài quá 7 ngày. Nếu có bất kỳ dấu hiệu ra máu nào giữa hai lần hành kinh – còn gọi là hiện tượng chảy máu giữa chu kỳ kinh – thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra.

Người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh sẽ không có dấu hiệu chảy máu vùng kín trong suốt 12 tháng sau kỳ nguyệt san cuối cùng. Nếu như lại bị xuất huyết sau khoảng thời gian này thì bạn cũng nên gặp bác sĩ để được hỗ trợ. Máu đẩy ra bên ngoài cơ thể có màu nâu đen hay hồng nhạt cũng được xem là máu kinh.

Các triệu chứng của rong kinh

Phụ nữ nên xem xét khả năng bị rong kinh nếu có những biểu hiện sau:

  • Kinh ra nhiều, liên tục thấm ướt băng vệ sinh
  • Kinh ra nhiều, tràn ra cả quần áo
  • Kinh ra nhiều kèm theo huyết khối
  • Kinh ra nhiều gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt trong cuộc sống xã hội thường ngày
  • Kinh ra nhiều, cần phải đồng thời sử dụng cả băng vệ sinh và tampon

Nếu bạn đã bị rong kinh trong một khoảng thời gian đáng kể, bạn cũng có thể phát sinh một số dấu hiệu (do thiếu máu) sau đây:

  • Chóng mặt và choáng váng
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Làn da xanh xao, môi và móng tay tái nhợt
  • Mạch nhanh và cảm thấy nhịp tim đập loạn xạ

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng kinh nguyệt kéo dài

Mất cân bằng nội tiết

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xuất phát từ sự mất cân bằng giữa nội tiết tố nữ oestrogen và progestogen. Hiện tượng này thường bắt gặp ở những bạn gái trong lứa tuổi thanh thiếu niên mà vừa bắt đầu có kinh nguyệt, hay ở những phụ nữ trung niên tầm 40 và sắp bước vào thời kỳ mãn kinh. Trong trường hợp này, chu kỳ kinh nguyệt thường không đều và kéo dài ít hơn 21 ngày. Tuy nhiên, phụ nữ ở mọi độ tuổi khác cũng hoàn toàn có khả năng bị rong kinh do thay đổi nội tiết tố bởi một loạt các nguyên nhân sau, bao gồm:

  • Sử dụng các loại thuốc tránh thai
  • Mắc phải các loại bệnh u nang buồng trứng

Polyp ở màng trong dạ con

Polyps (hay còn gọi là u thịt) có thể phát triển bên trong niêm mạc tử cung (màng trong dạ con) – hiện tượng này thường phổ biến đối với những phụ nữ có độ tuổi từ giữa 30 trở lên. Phần lớn những u thịt này đều lành tính (không mang tế bào ung thư).

U xơ tử cung

Đây cũng là một dạng u thịt lành tính xuất hiện trên thành tử cung, làm cho tử cung mở rộng kích thước.

Lạc màng trong tử cung

Đây là tình trạng khi lớp lót ở tử cung (màng trong dạ con) nằm sâu trong thành tử cung hơn so với bình thường. Tử cung dần mở rộng và thường gây đau đớn.

Ung thư

Khối u ác tính ở cơ trơn, ung thư màng trong dạ con, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư buồng trứng đều có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết không đều. Nếu thường xuyên có dấu hiệu ra máu bất thường, hoặc ra máu sau mãn kinh thì bạn nên tìm gặp các bác sĩ phụ khoa để được kiểm tra chi tiết.

Biến chứng của thai kỳ giai đoạn đầu

Nếu bạn nghi ngờ bản thân đang mang thai, bạn nên tiến hành xét nghiệm nước tiểu bởi vì hiện tượng ra máu bất thường có thể là hệ quả từ các vấn đề phát sinh trong thời gian đầu của thai kỳ. Nếu bạn khẳng định mình đang mang thai thì bạn nên đến Đơn vị Chăm sóc Thai kỳ Thời kỳ đầu để được tư vấn và kiểm tra chuyên sâu hơn.

Các nguyên nhân hiếm gặp

  • Khuyết tật tử cung bẩm sinh
  • Sử dụng các loại thuốc chống đông máu như warfarin
  • Rối loạn đông máu di truyền, như bệnh Von Willebrand
  • Tuyến giáp hoạt động kém
  • Nhiễm trùng

 

Hiện tượng rong kinh (kinh nguyệt kéo dài) có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau, dựa vào nguyên nhân cụ thể, độ tuổi và nhu cầu, khả năng sinh sản của mỗi người.

Nếu bạn thường xuyên bị rong kinh, đừng chỉ im lặng giấu đi bí mật này bởi vì có rất nhiều phương pháp điều trị sẵn có cực kỳ đơn giản thông qua những kỹ thuật máy móc tiên tiến trong phẫu thuật.

Chẩn đoán rong kinh

Để đưa ra chẩn đoán, đầu tiên các bác sĩ phụ khoa sẽ khai thác bệnh sử thông qua các triệu chứng được mô tả, cũng như tiến hành kiểm tra vùng kín của bạn nếu có bất thường, với sự hỗ trợ của dụng cụ khám phụ khoa speculum (mỏ vịt) và xét nghiệm Pap (phết tế bào âm đạo). Sau đó bạn có thể được chỉ định quét siêu âm – phương pháp sử dụng đầu dò đưa vào âm đạo (cho phép kiểm tra chi tiết hơn các bộ phận bên trong tử cung và vùng xương chậu)

Trong vài trường hợp, bác sĩ sẽ cần đến một mẫu mô nhỏ trong niêm mạc tử cung để đưa ra phán đoán về những nguyên nhân có khả năng gây bệnh nhất. Xét nghiệm này gọi là lấy mẫu màng trong dạ con và thường có thể được tiến hành cho các ca ngoại trú mà sự khó chịu gây ra cho bệnh nhân được giảm đến mức tối thiểu.

Nếu tất cả các xét nghiệm trên không khả thi, bạn có thể lựa chọn phương pháp thay thế khác, nội soi tử cung (sử dụng ống kính chuyên dụng để nghiên cứu chi tiết màng trong dạ con). Nhiều trường hợp cũng phải tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ ở niêm mạc tử cung.

Các lựa chọn điều trị rong kinh

Cách thức điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm độ tuổi, nguyên nhân bệnh và tình trạng hành kinh (có trải qua những cơn đau bụng kinh dữ dội hay không). Song nhìn chung thì khuynh hướng điều trị rong kinh bao gồm các phương pháp sau:

Điều trị nột tiết

Nếu vấn đề phát sinh do rối loạn xuất huyết âm đạo (mất cân bằng nội tiết tố) và bạn vẫn mong muốn có con thì phương pháp điều trị chính yếu thường là sử dụng nhiều loại nội tiết tránh thai khác nhau.

Sử dụng thuốc đông máu

Nếu bạn đang ở độ tuổi 40 và đã yên bề gia thất thì liệu pháp đầu tiên mà các bác sĩ phụ khoa có thể gợi ý cho bạn sử dụng là thuốc hỗ trợ đông máu (tranexamic acid). Trong trường hợp không có hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị đặt vòng tránh thai có chứa nội tiết vào tử cung (IUD).

Trong vài thập kỷ qua, tất cả các phương pháp này đã giúp giảm thiểu tối đa số ca buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung đối với những trường hợp có tình trạng rong kinh nhẹ và không quá phức tạp.

Các lựa chọn phẫu thuật

Điều trị chuyên sâu hơn có khuynh hướng tập trung vào phẫu thuật và được tiến hành khi tình trạng rong kinh gây ra bởi các nguyên nhân phức tạp như u xơ, polyps, lạc màng trong tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc ung thư. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  1. Cắt bỏ u xơ qua bụng hoặc cắt bỏ polyp, u xơ qua cổ tử cung
  2. Phẫu thuật loại bỏ màng trong tử cung (không được khuyến nghị nếu bạn bị đau bụng kinh)
  3. Thuyên tắc động mạch tử cung điều trị cho u xơ
  4. Thủ thuật cắt bỏ tử cung (gồm cả tử cung và cổ tử cung)

Sự xuất hiện của các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (còn gọi là keyhole – lỗ khóa) – chẳng hạn như phương pháp soi bụng, hay gần đây nhất là sự hỗ trợ từ công nghệ robot – kết hợp với kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của các bác sĩ phẫu thuật đã tạo ra nhiều cách thức loại bỏ tử cung hiệu quả hơn, ít gây đau đớn, rút ngắn thời gian nằm viện đồng thời nâng cao khả năng phục hồi để người bệnh có thể quay về các hoạt động bình thường nhanh hơn.

Cụ thể, những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng tầm nhìn, giới hạn và độ chính xác khi phẫu thuật, làm cho những trường hợp phức tạp cũng trở nên dễ dàng hơn.

Đa số tử cung có kích thước tương đương với thai kỳ 4 tháng tuổi đều có thể được loại bỏ một cách an toàn thông qua phẫu thuật lỗ khóa (keyhole) dưới đôi tay kỳ diệu của các chuyên gia. Bạn không nên tự mặc định rằng chỉ có phẫu thuật mổ mới là lựa chọn duy nhất, ngay cả khi đây là sự thật đi chăng nữa.

Nguồn: Healthxchange Singapore

Scroll to Top