• Device: 090 938 1187
  • Service: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Kiểm soát stress ở BN Ung Thư

Kiểm soát stress ở bệnh nhân ung thư

Khi một người nào đó mắc bệnh ung thư? Họ đang phải gánh chịu nặng nề về mặt tâm lý và tình cảm, bạn có thể làm gì để giúp họ vực dậy tinh thần? Bác sĩ Gilbert Fan sẽ đưa ra một số chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông là Thạc sĩ Y tế công cộng hiện đang công tác tại Khoa Tâm lý thuộc Trung tâm Ung Thư Quốc Gia Singapore (National Cancer Centre Singapore)

Ở Singapore, bệnh ung thư không hiếm, thậm chí còn khá phổ biến, tuy nhiên nhiều người trong số chúng ta chỉ bắt đầu gồng mình chống chọi khi nhận ra những ảnh hưởng nặng nề mà căn bệnh này gây ra.

Làm thế nào để bạn đối phó với ung thư khi bạn chỉ vừa được chẩn đoán và đang chờ điều trị? Bạn không biết làm cách nào để trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc để giúp những người thân yêu của mình vượt qua cú sốc ung thư? Hoặc bạn đang lo ngại về việc cân bằng cảm xúc của chính mình khi phải chăm sóc cho một người mắc bệnh ung thư?

Hãy để Bác sĩ Gilbert Fan từ Trung tâm Ung Thư Quốc Gia Singapore (NCCS) giúp bạn hiểu rõ hơn về những việc cần làm, để không gặp trở ngại khi phải đương đầu với các vấn đề tâm lý ở những người mắc bệnh ung thư.

Câu hỏi từ healthblur

Làm thế nào để hỏi thăm về tình trạng bệnh của họ? Tôi có một người bạn bị bệnh ung thư vú cách đây 5 năm và hiện giờ thì trông cô ấy có vẻ ổn. Tôi muốn thể hiện sự quan tâm và hỏi cô ấy cảm thấy như thế nào, nhưng tôi sợ sẽ làm cô ấy lo lắng không đâu và bắt đầu tưởng tượng ra những việc như là bị tái phát chẳng hạn…

Bác sĩ Gilbert Fan tr li

Cố gắng chỉ tập trung vào người mà bạn thật sự quan tâm, chứ không phải tính chất hay tình trạng bệnh lý của họ, như vậy bạn hoàn toàn có thể dẫn dắt chủ đề nhạy cảm này theo một hướng khác, đầy ý nghĩa và không làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu hay bị tổn thương. Điều quan trọng là phải hiểu rõ người mà bạn sẽ trò chuyện. Những gì mà bạn cho là thích hợp nhưng người khác có thể lại không nghĩ như vậy. Tốt nhất trong trường hợp này, bạn nên duy trì ở mức vừa phải về việc thể hiện sự quan tâm cũng như hỏi thăm về tình trạng bệnh của họ. Dùng sự chân thành của mình để truyền đạt những gì bạn muốn nói, cho họ biết bạn đã lo lắng ra sao, và khi họ chia sẻ, hãy lắng nghe và tiếp nhận lượng thông tin vừa đủ để biết bản thân mình có thể giúp gì cho họ. Nói chung đừng cố đi vào chi tiết nếu họ không muốn nói thêm, hãy bày tỏ thiện ý của bạn một cách thích hợp.

Bạn thậm chí không cần phải lo là sẽ làm cô ấy nhớ đến căn bệnh ung thư trước đó. Cũng giống như khi gặp lại một người bạn cũ đã lâu không liên lạc, chúng ta cũng thường hỏi một câu đơn giản như “Bạn dạo này sao rồi?” Không cần phức tạp hóa mọi thứ, hãy để cô ấy bắt đầu cuộc trò chuyện theo cách thông thường và thoải mái nhất, dĩ nhiên bạn cũng nên như vậy.

Nếu bạn cứ nghĩ về việc cô ấy bị bệnh thì trong cuộc trò chuyện này sẽ chỉ xoay quanh hai chữ “ung thư” mà thôi. Cuối cùng đó lại là mối bận tâm của bạn chứ không phải của cô ấy nữa. Hãy luôn tin rằng bạn của bạn biết cách ứng xử sao cho phù hợp. Tuy nhiên nếu để ý thấy bạn mình không thoải mái, thử hỏi xem liệu cô ấy có thể tiếp tục cuộc trò chuyện hay không. Tái phát là nỗi sợ đối với nhiều bệnh nhân ung thư và họ luôn nghĩ về điều đó. Vậy nên bạn không cần phải quá lo sẽ làm bạn mình thêm căng thẳng và sợ hãi. Cô ấy có thể sẽ nói cho bạn biết nếu như cảm thấy băn khoăn. Lúc này, hãy nghiêm túc lắng nghe những vướng mắc của cô ấy.

Câu hỏi từ john

Cách đây 6 năm tôi bị NPC và hiện nay đã hết bệnh. Nhưng mà thỉnh thoảng tôi giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm và có cảm giác sợ hãi, sợ là căn bệnh này sẽ lại tái phát! Tôi không có cách nào để kiểm soát những suy nghĩ này. Tôi không dám nói với vợ vì tôi không muốn để cô ấy phải lo lắng. Xin hãy giúp tôi. Làm sao để có thể loại bỏ những cảm giác lo âu này???

Bác sĩ Gilbert Fan tr li:

Cảm ơn John vì đã chia sẻ về nỗi lo lắng của bạn. Thông thường thì bệnh nhân nào cũng có nỗi sợ tương tự như vậy. Họ hầu như lúc nào cũng lo lắng và sợ hãi song họ vẫn có thể sinh hoạt như thường. Nhưng ở đây, tôi để ý đến một vấn đề là sự sợ hãi đã làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Tôi khuyên bạn nên gặp bác sĩ tâm lý để xác định xem nỗi sợ hiện tại của bạn là gì. Bạn có thể tìm gặp họ tại bệnh viện nơi mà bạn đã điều trị thông qua sự giúp đỡ của Bác sĩ đã điều trị cho bạn. Hoặc không thì bạn cũng có thể đến gặp tôi, chúng ta sẽ cùng thảo luận để tìm hiểu về tình trạng hiện tại của bạn. Ngoài ra, bạn có thể gửi những thắc mắc của mình vào địa chỉ email mss@nccs.com.sg

Câu hỏi từ aror009

Chào bác sĩ Gilbert, gần đây bà tôi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư gan. Bà từ chối tiếp nhận điều trị và nói rằng đây là ý trời, bà chấp nhận điều đó. Vấn đề là mẹ và các dì của tôi không sao hiểu nổi và dĩ nhiên không đồng ý với suy nghĩ này của bà. Họ muốn bà tôi tiến hành làm xét nghiệm và khám bác sĩ nhưng không ai dám đề cập chuyện này với bà. Mỗi khi chúng tôi đến thăm bà, mẹ tôi lúc nào cũng dặn là “Đừng có nói gì với bà hết. Cứ như bình thường thôi.” Làm sao để gia đình chúng tôi có thể cùng với bà thảo luận về quyết định này mà không gây áp lực hay căng thẳng gì cho bà (vì rõ ràng là bà không muốn điều trị)? Tôi rất cần lời khuyên của bác sĩ.

Bác sĩ Gilbert Fan tr li

Có lẽ là bà bạn có chính kiến của riêng mình khi không muốn tiếp nhận điều trị. Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là bà có hoàn toàn nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình cũng như các lựa chọn điều trị sẵn có và tác dụng phụ liên quan. Tốt hơn hết là nên có một chuyên gia sức khỏe để đánh giá mức độ hiểu biết của bà về các phương pháp điều trị. Tôi vẫn hay nói với các bệnh nhân của tôi rằng mỗi một cách thức điều trị đều có giới hạn nhất định về thời gian, tức là một số phương pháp sẽ không được tiếp tục như dự định ban đầu khi mà tình trạng bệnh nhân có chuyển biến, đặc biệt là đối với những điều trị cần dùng đến phẫu thuật.

Theo tình hình bạn đã chia sẻ, bà thì kiên quyết không điều trị trong khi gia đình lại rất coi trọng điều này, đây chắc chắn sẽ đặt bạn và gia đình vào tình thế khó xử khi phải đắn đo lựa chọn giữa 2 luồng ý kiến. Tôi đề nghị gia đình nên thảo luận kỹ càng cũng như chia sẻ những mong muốn khi điều trị với các nhân viên chăm sóc sức khỏe hay nhân viên y tế xã hội. Nếu gia đình bạn muốn tự mình cân nhắc để đưa ra quyết định, hãy xem xét đến những nguyện vọng cuối cùng của bà hơn là những kỳ vọng mà gia đình mong muốn để áp đặt cho bà. Ở một vài phương diện nào đó, gia đình cần hiểu rõ quyết định không điều trị chưa chắc đã tương đương với việc lựa chọn cái chết. Có lẽ mong muốn của bà chỉ đơn giản là sống một cuộc sống, tuy ngắn nhưng vui vẻ thoải mái hơn là kéo dài sự sống khổ sở phía trước. Bà của bạn vẫn sẽ nhận được sự yêu thương và quan tâm từ gia đình cho dù bà có chấp nhận điều trị hay không. Biết được khi nào nên “buông bỏ” đòi hỏi bản thân phải duy trì sự cân bằng giữa những tư duy logic và những cảm xúc bất ổn. “Buông bỏ” không có nghĩa là từ bỏ hy vọng mà là trao cho họ một cơ hội để họ được sống theo cách mà bản thân họ mong muốn.

Bạn có thể liên hệ với nhân viên y tế xã hội tại bệnh viện mà bà của bạn đang được điều trị.

Câu hỏi từ stormynight95

Tôi là sinh viên năm hai và bố tôi bị ung thư ở giai đoạn thứ 3. Ông đã nghỉ việc và mẹ tôi thì chỉ ở nhà làm công việc nội trợ. Tôi đi làm các công việc bán thời gian để có thêm thu nhập hỗ trợ cho tài chính gia đình nhưng thành tích học tập của tôi không được tốt lắm. Tôi thật sự rất muốn cải thiện điểm số của mình trước khi bước vào năm cuối. Tôi muốn hỏi là làm sao để tôi có thể tập trung vào việc học mà vẫn có thể đỡ đần cho gia đình trước tình hình hiện tại của bố tôi?

Bác sĩ Gilbert Fan tr li

Vấn đề đầu tiên khiến tôi lo lắng nhất chính là tình hình tài chính hiện nay của gia đình bạn. Tôi không chắc liệu bố bạn đã nhận được trợ cấp y tế cho việc điều trị hay chưa. Tình hình của ông dường như đủ điều kiện để nhận hỗ trợ tài chính tại các bệnh viện chính phủ. Nếu như chưa có, hãy liên hệ với nhân viên y tế xã hội tại nơi mà bố bạn đang được tiến hành điều trị. Về trợ cấp tài chính y tế, một số tổ chức, như Hiệp hội Ung thư Singapore (SCS) và Comcare @ SSO (Văn phòng dịch vụ xã hội), sẽ cung cấp quỹ tiền mặt tạm thời cho những gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn. Đối với SCS, bạn cần có sự giới thiệu của bác sĩ. Đối với SSO, bạn có thể đến bất cứ văn phòng nào gần với địa phương của bạn nhất.

Thực tế thì có bao nhiêu lời khuyên đi nữa cũng không thể nào giúp bạn cân bằng giữa việc học ở trường và việc chăm sóc bố mẹ. Bạn có thể biết trước là mình đang sợ hãi điều gì, ví dụ như tài chính gia đình bị mất kiểm soát, hay tình trạng bệnh của bố sẽ biến chuyển phức tạp hơn, và mình thì chẳng thể nào học tốt được. Theo đó, tôi nghĩ là gia đình có thể phân chia vai trò và trách nhiệm của riêng bạn thành từng phần nhỏ hơn, càng nhiều càng tốt. Giao cho mẹ vai trò chính trong việc chăm sóc bố. Nếu có thể thì nhờ sự giúp đỡ từ bà con họ hàng. Giảm bớt thời gian làm việc nếu như tiền trợ cấp đủ dùng. Phân bổ thời gian biểu hợp lý bằng việc xác định những ngày học quan trọng. Sắp xếp dành thời gian cho bố mình, không cần quá nhiều nhưng đều đặn mỗi ngày hoặc mỗi tuần, quan tâm hỏi han đến sức khỏe của ông. Tìm gặp chuyên gia tư vấn nếu bạn cảm thấy có điều gì muốn chia sẻ hoặc cần sự hỗ trợ giúp bạn lạc quan hơn để đương đầu với thời kỳ khó khăn này. Hầu hết các bệnh viện đều có các nhân viên y tế xã hội và các chuyên gia có thể giúp đỡ bạn bất cứ lúc nào. Bạn chỉ cần đến đó và trình bày yêu cầu của bạn.

Câu hỏi từ sl190994

Bạn thân của tôi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư vú và đã trải qua ca phẫu thuật vào năm ngoái. Ung thư ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của bạn tôi. Cô ấy cứ buồn rầu ủ rũ và rất dễ nổi nóng. Bác sĩ có thể cho tôi vài lời khuyên, làm thế nào để cổ vũ tinh thần cho bạn tôi ngay cả khi cô ấy chỉ muốn được một mình yên tĩnh?

Bác sĩ Gilbert Fan tr li

Cảm ơn bạn đã chia sẻ với chúng tôi. Sự thay đổi tâm trạng và biến đổi cảm xúc ở những bệnh nhân vừa được chẩn đoán ung thư không phải là chuyện hiếm gặp, tuy vậy vẫn phải theo dõi chặt chẽ. Trong khi nhiều người có thể dễ dàng tự kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của mình mà không cần hỗ trợ gì nhiều, một số người khác lại bế tắc với tình trạng hiện tại của mình. Quan sát trong khoảng từ một đến hai tuần để xem liệu tâm trạng của cô ấy có tiến triển tốt hơn hay không.

Nếu như bạn thật sự thân với cô bạn này, hãy chia sẻ với cô ấy về tất cả những quan sát của bạn. Dẫn dắt câu chuyện cũng như thể hiện sự quan tâm một cách nhẹ nhàng và tế nhị khi mà cô ấy chưa sẵn sàng trải lòng mình. Trò chuyện về các cách giúp cô ấy đối phó với căn bệnh ung thư, chứ đừng nói sâu vào vấn đề nhạy cảm như việc chạy chữa hay các di chứng của bệnh. Cho bạn của bạn thấy rằng điều mà bạn thật sự quan tâm là cô ấy. Bạn cũng có thể hỏi xin cách liên lạc và đặt vấn đề về những việc mà bạn có thể làm để giúp cho cô ấy.

Nhiều bệnh nhân có lẽ bị bế tắc khi loay hoay xác định cuộc sống sau này với tình trạng ung thư của họ. Họ cần thời gian để tiếp nhận sự thật này và nhận biết rằng ung thư sẽ làm thay đổi cuộc đời họ như thế nào. Có thể họ sẽ không còn nuôi dưỡng những hy vọng và ước mơ nữa, thậm chí là đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình.

Hãy khuyên cô ấy đến gặp nhân viên tư vấn xã hội để họ có thể hỗ trợ hướng dẫn cô vượt qua những trở ngại tâm lý trong suốt quá trình ung thư. Hoặc cô ấy cũng có thể nhờ bác sĩ điều trị của mình giới thiệu một chuyên gia trong lĩnh vực này.

Câu hỏi từ gemini29

Dì của tôi bị ung thư vú. Dì ấy lo lắng bản thân sẽ ngày càng xuống sắc khi mà tóc của dì rụng đi một cách nhanh chóng sau mỗi lần hóa trị. Dì tôi cũng rất ghét việc hóa trị liệu dẫu cho đó là phương pháp cho thấy nhiều cơ hội sống sót. Gia đình tôi có thể làm gì để giúp dì thoải mái hơn, có cách nào để dụ dỗ dì thực hiện các đợt hóa trị đều đặn không?

Bác sĩ Gilbert Fan tr li

Cảm ơn bạn đã chia sẻ với chúng tôi. Trước khi tiến hành hóa trị, bệnh nhân sẽ được y tá cho biết về những phản ứng phụ có thể có cũng như những thay đổi sinh lý tạm thời, chẳng hạn như việc rụng tóc. Động viên dì của bạn trò chuyện với y tá tại đơn vị Hóa trị liệu Ung thư. Điều này rất quan trọng, hãy để dì trải lòng mình ra và chia sẻ mọi nỗi lo lắng hay sợ hãi mà dì đang phải trải qua. Mỗi một băn khoăn thắc mắc của dì bạn đều là những căn cứ chủ yếu để chúng tôi biết rõ phải sử dụng phương pháp hỗ trợ nào cho thích hợp. Hầu hết các vấn đề liên quan đến việc điều trị đều có thể được giải quyết ổn thỏa.

Tôi vẫn hay nói với các bệnh nhân của tôi rằng mỗi một cơ hội điều trị đều có những hạn chế nhất định về thời gian. Nếu như bỏ lỡ một lần thì không phải lúc nào bạn cũng sẽ được tiến hành một đợt điều trị tương tự như vậy, cả về hình thức lẫn mục đích. Một vài bệnh nhân cần được hướng dẫn cụ thể để có thể vượt qua nỗi sợ và hoàn thành đợt hóa trị liệu của họ. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ từ các nhân viên xã hội hoặc các chuyên gia tư vấn. Về phía gia đình, hãy lắng nghe và tôn trọng những suy nghĩ của người bệnh rồi từng bước thuyết phục sẽ hiệu quả hơn. Đừng bao giờ ép buộc họ phải tiếp nhận điều trị.

Rất nhiều bệnh viện có các hội nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư vú, những người đại diện ở đó có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn cho dì bạn trong suốt quá trình mang bệnh. Hãy nhờ các bác sĩ giới thiệu đến một trong những tổ chức này. Hoặc bạn có thể tìm thấy những hội nhóm tương tự tại Trung Tâm Ung thư vú và Hiệp hội Ung thư Singapore. Dì bạn sẽ là người lựa chọn.

Câu hỏi từ bluecorrine

Thưa bác sĩ Gilbert: Cách đây không lâu, mẹ tôi vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 1, mặc dù bà chẳng hút thuốc và rất có ý thức giũ gìn sức khỏe. Từ lúc biết chuyện cho đến ngày phẫu thuật là khoảng 7 tuần, trong thời gian đó, mẹ tôi đã không thể nào yên giấc và lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Mãi cho đến khi bà ấy phải nhập viện do lo lắng quá độ thì tôi và cha tôi mới nhận ra rằng điều này đã ảnh hưởng đến mẹ nhiều như thế nào. Hai cha con tôi cảm thấy rất ân hận vì đã không lưu tâm đến điều đó sớm hơn. Chúng tôi cứ nghĩ rằng sử dụng thuốc (melatonin) và hương liệu sẽ giúp bà ngủ dễ hơn. Ngay sau khi mẹ tôi nhập viện do căng thẳng, các bác sĩ đã nói rằng bà ấy thật may mắn bởi vì căn bệnh này có thể điều trị được trong khi những người khác thì không có cơ hội cứu chữa như vậy. Nhưng mà mẹ tôi vẫn không cho là vậy, bà nghĩ họ chỉ muốn an ủi thôi. Vậy chúng tôi hay các bác sĩ nên nói gì để mẹ tôi hiểu rằng bà không đơn độc và có rất nhiều người ở đây sẵn sàng bên cạnh để xoa dịu nỗi lo lắng của bà? Cuộc phẫu thuật của mẹ tôi đã thành công và bà đang trong thời gian hồi phục nhưng vẫn đang dùng thuốc an thần, bởi vì mẹ tôi vẫn còn sợ hãi và không thích gặp một số thành viên trong gia đình mà có hơi hướng tiêu cực. Bất kỳ ai trong số chúng tôi, kể cả bản thân mẹ tôi, cũng không biết được lý do cụ thể, do vậy mà mọi người cứ phải thận trọng trong mọi lời nói để tránh không để cho bà bị kích động. Liệu chúng tôi có nên cho bà một không gian riêng?

Bác sĩ Gilbert Fan tr li

Tôi mừng là bạn đã chia sẻ điều này. Tình trạng của mẹ bạn cần phải được đánh giá chi tiết hơn. Thuốc có thể hỗ trợ đôi chút nhưng mà những chia sẻ và lời khuyên cũng quan trọng không kém đối với những trường hợp tâm bệnh như mẹ của bạn. Nếu bà vẫn chưa sẵn sàng nhận tư vấn, hãy liên hệ nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Một vài bệnh nhân có thể có một nỗi bất an cụ thể trong khi những người khác lại có những triệu chứng mà chúng tôi gọi là ‘rối loạn lo âu tổng quát’. Cần phải tiến hành các bài kiểm tra chuyên sâu trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.

Đứng dưới góc độ là một thành viên trong gia đình, hãy kiên nhẫn với bà ấy. Những cuộc trò chuyện không nhất thiết phải xoáy vào bệnh tật hay những vấn đề trong điều trị. Hãy để những đối thoại diễn ra một cách tự nhiên như mọi ngày. Đừng cố thuyết phục quá mức bởi vì những người đang lo lắng tự bản thân họ sẽ có giới hạn cho chính mình.

Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần có thời gian. Nếu như mẹ bạn có lặp đi lặp lại một vấn đề nào đó, hãy lắng nghe những trọng điểm mà bà muốn nói. Nếu như mẹ bạn im lặng thì hãy cho bà một ít không gian và thời gian để bà tự cân nhắc, nhưng nhớ là vẫn phải để bà tham gia vào những sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Câu hỏi từ ca0122

3 tháng trước, bà tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy.

Từ khi nhận ra mình bị ung thư, bà tôi đã không thể ngon giấc vào mỗi đêm, đồng thời cũng than phiền về liệu pháp hóa trị. Phương pháp này khiến bà chán nản và trở nên lo lắng hơn. Chúng tôi có thể giúp bà những gì để bà cảm thấy yên tâm với tình trạng bệnh của mình?

Bác sĩ Gilbert Fan tr li

Cảm ơn bạn đã chia sẻ với chúng tôi. Một vài phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, vì vậy tốt nhất là nên đề cập vấn đề này với bác sĩ điều trị cho bà của bạn. Như những câu trả lời của tôi trước đó, liên quan đến rối loạn lo âu, một bài kiểm tra đánh giá chi tiết là cơ sở cần thiết để xác định mức độ nghiêm trọng và nguồn cơn của vấn đề. Nhiều người lớn tuổi không thể chịu được “đau đớn” và bà của bạn có thể liên tưởng tình trạng hiện tại của bà với hai từ này. Hãy đưa bà đến gặp một chuyên gia tâm lý theo lời giới thiệu để có những đánh giá chi tiết và chính xác hơn.

Nguồn: HealthXchange Singapore

Scroll to Top