Câu hỏi 1
Làm thế nào để hỏi thăm về tình trạng bệnh của họ? Tôi có một người bạn bị bệnh ung thư vú cách đây 5 năm và hiện giờ thì trông cô ấy có vẻ ổn. Tôi muốn thể hiện sự quan tâm và hỏi cô ấy cảm thấy như thế nào, nhưng tôi sợ sẽ làm cô ấy lo lắng không đâu và bắt đầu tưởng tượng ra những việc như là bị tái phát chẳng hạn…
Bác sĩ Gilbert Fan trả lời
Cố gắng chỉ tập trung vào người mà bạn thật sự quan tâm, chứ không phải tính chất hay tình trạng bệnh lý của họ, như vậy bạn hoàn toàn có thể dẫn dắt chủ đề nhạy cảm này theo một hướng khác, đầy ý nghĩa và không làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu hay bị tổn thương. Điều quan trọng là phải hiểu rõ người mà bạn sẽ trò chuyện. Những gì mà bạn cho là thích hợp nhưng người khác có thể lại không nghĩ như vậy. Tốt nhất trong trường hợp này, bạn nên duy trì ở mức vừa phải về việc thể hiện sự quan tâm cũng như hỏi thăm về tình trạng bệnh của họ. Dùng sự chân thành của mình để truyền đạt những gì bạn muốn nói, cho họ biết bạn đã lo lắng ra sao, và khi họ chia sẻ, hãy lắng nghe và tiếp nhận lượng thông tin vừa đủ để biết bản thân mình có thể giúp gì cho họ. Nói chung đừng cố đi vào chi tiết nếu họ không muốn nói thêm, hãy bày tỏ thiện ý của bạn một cách thích hợp.
Bạn thậm chí không cần phải lo là sẽ làm cô ấy nhớ đến căn bệnh ung thư trước đó. Cũng giống như khi gặp lại một người bạn cũ đã lâu không liên lạc, chúng ta cũng thường hỏi một câu đơn giản như “Bạn dạo này sao rồi?” Không cần phức tạp hóa mọi thứ, hãy để cô ấy bắt đầu cuộc trò chuyện theo cách thông thường và thoải mái nhất, dĩ nhiên bạn cũng nên như vậy.
Nếu bạn cứ nghĩ về việc cô ấy bị bệnh thì trong cuộc trò chuyện này sẽ chỉ xoay quanh hai chữ “ung thư” mà thôi. Cuối cùng đó lại là mối bận tâm của bạn chứ không phải của cô ấy nữa. Hãy luôn tin rằng bạn của bạn biết cách ứng xử sao cho phù hợp. Tuy nhiên nếu để ý thấy bạn mình không thoải mái, thử hỏi xem liệu cô ấy có thể tiếp tục cuộc trò chuyện hay không. Tái phát là nỗi sợ đối với nhiều bệnh nhân ung thư và họ luôn nghĩ về điều đó. Vậy nên bạn không cần phải quá lo sẽ làm bạn mình thêm căng thẳng và sợ hãi. Cô ấy có thể sẽ nói cho bạn biết nếu như cảm thấy băn khoăn. Lúc này, hãy nghiêm túc lắng nghe những vướng mắc của cô ấy.
Câu hỏi 2
Cách đây 6 năm tôi bị NPC và hiện nay đã hết bệnh. Nhưng mà thỉnh thoảng tôi giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm và có cảm giác sợ hãi, sợ là căn bệnh này sẽ lại tái phát! Tôi không có cách nào để kiểm soát những suy nghĩ này. Xin hãy giúp tôi. Làm sao để có thể loại bỏ những cảm giác lo âu này???
Bác sĩ Gilbert Fan trả lời:
Thông thường thì bệnh nhân nào cũng có nỗi sợ tương tự như vậy. Họ hầu như lúc nào cũng lo lắng và sợ hãi song họ vẫn có thể sinh hoạt như thường. Nhưng ở đây, tôi để ý đến một vấn đề là sự sợ hãi đã làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Tôi khuyên bạn nên gặp bác sĩ tâm lý để xác định xem nỗi sợ hiện tại của bạn là gì. Bạn có thể tìm gặp họ tại bệnh viện nơi mà bạn đã điều trị thông qua sự giúp đỡ của Bác sĩ đã điều trị cho bạn.
Câu hỏi 3
Chào bác sĩ Gilbert, gần đây bà tôi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư gan. Bà từ chối tiếp nhận điều trị và nói rằng đây là ý trời, bà chấp nhận điều đó. Vấn đề là mẹ và các dì của tôi không sao hiểu nổi và dĩ nhiên không đồng ý với suy nghĩ này của bà. Họ muốn bà tôi tiến hành làm xét nghiệm và khám bác sĩ nhưng không ai dám đề cập chuyện này với bà. Mỗi khi chúng tôi đến thăm bà, mẹ tôi lúc nào cũng dặn là “Đừng có nói gì với bà hết. Cứ như bình thường thôi.” Làm sao để gia đình chúng tôi có thể cùng với bà thảo luận về quyết định này mà không gây áp lực hay căng thẳng gì cho bà (vì rõ ràng là bà không muốn điều trị)? Tôi rất cần lời khuyên của bác sĩ.
Bác sĩ Gilbert Fan trả lời
Có lẽ là bà bạn có chính kiến của riêng mình khi không muốn tiếp nhận điều trị. Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là bà có hoàn toàn nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình cũng như các lựa chọn điều trị sẵn có và tác dụng phụ liên quan. Tốt hơn hết là nên có một chuyên gia sức khỏe để đánh giá mức độ hiểu biết của bà về các phương pháp điều trị. Tôi vẫn hay nói với các bệnh nhân của tôi rằng mỗi một cách thức điều trị đều có giới hạn nhất định về thời gian, tức là một số phương pháp sẽ không được tiếp tục như dự định ban đầu khi mà tình trạng bệnh nhân có chuyển biến, đặc biệt là đối với những điều trị cần dùng đến phẫu thuật.
Theo tình hình bạn đã chia sẻ, bà thì kiên quyết không điều trị trong khi gia đình lại rất coi trọng điều này, đây chắc chắn sẽ đặt bạn và gia đình vào tình thế khó xử khi phải đắn đo lựa chọn giữa 2 luồng ý kiến. Tôi đề nghị gia đình nên thảo luận kỹ càng cũng như chia sẻ những mong muốn khi điều trị với các nhân viên chăm sóc sức khỏe hay nhân viên y tế xã hội. Nếu gia đình bạn muốn tự mình cân nhắc để đưa ra quyết định, hãy xem xét đến những nguyện vọng cuối cùng của bà hơn là những kỳ vọng mà gia đình mong muốn để áp đặt cho bà. Ở một vài phương diện nào đó, gia đình cần hiểu rõ quyết định không điều trị chưa chắc đã tương đương với việc lựa chọn cái chết. Có lẽ mong muốn của bà chỉ đơn giản là sống một cuộc sống, tuy ngắn nhưng vui vẻ thoải mái hơn là kéo dài sự sống khổ sở phía trước. Bà của bạn vẫn sẽ nhận được sự yêu thương và quan tâm từ gia đình cho dù bà có chấp nhận điều trị hay không. Biết được khi nào nên “buông bỏ” đòi hỏi bản thân phải duy trì sự cân bằng giữa những tư duy logic và những cảm xúc bất ổn. “Buông bỏ” không có nghĩa là từ bỏ hy vọng mà là trao cho họ một cơ hội để họ được sống theo cách mà bản thân họ mong muốn.