Bác sĩ Nha khoa Chin Shou King, BDS (Singapore)
Là một nha sĩ, tôi thường xuyên bắt gặp sự lo âu đến từ các bậc phụ huynh xoay quanh vấn đề liên quan đến răng của trẻ. Họ thường hỏi lý do tại sao răng mọc quá lớn hay quá bé, tại sao chúng mọc không đều và liệu có cần phải niềng răng trong tương lai hay không. Thật ra, những “vấn đề” này có một chút phóng đại khi mà mọi kết quả kiểm tra luôn cho thấy đứa trẻ bình thường và khỏe mạnh. Tất cả những gì chúng tôi cần làm là giải thích cặn kẽ và trấn an cha mẹ, sau đó kiểm tra và theo dõi cẩn thận.
Tuy nhiên, tôi cũng gặp qua nhiều cặp cha mẹ kỳ lạ khi mà họ rất ít hoặc hầu như chẳng quan tâm đến vấn đề răng miệng của trẻ chút nào và tôi lại trở thành người lo lắng! Đứa nhỏ đã không được giáo dục đúng cách về phương pháp hay là thời gian đánh răng, do đó xuất hiện những lỗ sâu lớn và thỉnh thoảng bị đau răng. Một vài cha mẹ có quan điểm sai lầm rằng thời kỳ rụng răng sữa thì không quan trọng và bé sẽ được thay răng khi đến thời điểm. Điều này không chỉ nguy hiểm mà còn có thể gây bất lợi cho tâm lý và tình trạng sức khoẻ của đứa trẻ.
Nghiên cứu cho thấy những người có tỷ lệ DMFT cao (Decayed – bị sâu, Missing – bị mất, Filled Teeth – bị trám) trong thời kỳ rụng răng sữa thường cũng có chỉ số DMFT cao hơn khi trưởng thành. Thói quen đánh răng tốt và đi khám nha sĩ định kỳ cần được thấm nhuần và khắc sâu vào tâm trí ngay khi còn nhỏ để con bạn sẽ trưởng thành với một hàm răng chắc khỏe.
Rụng răng trong thời kỳ răng sữa không chỉ quan trọng đối với khả năng ăn và uống của bé mà còn duy trì khoảng không cho răng vĩnh viễn sau này. Cố gắng tránh để cho bé rụng răng trước 5 tuổi. Trong thời kỳ răng sữa, rụng răng sớm đòi hỏi phải đặt một thiết bị nhỏ gọi là dụng cụ giữ khoảng ngăn chạy răng. Điều này ngăn không cho chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên (xuất hiện vào khoảng 6 tuổi) bị dôi ra ngoài hay chiếm chỗ những chiếc răng khác làm cho hàm răng vĩnh viễn bị chèn ép.
Vậy khi nào là thời điểm thích hợp để trẻ bắt đầu đi khám răng? Không có một quy định cụ thể nào nhưng Viện Hàn lâm Nha khoa Trẻ em Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi đứa trẻ nên gặp nha sĩ trước sinh nhật đầu tiên của mình. Nghe có vẻ buồn cười khi bạn phải đưa con mình đến gặp nha sĩ sớm như vậy, nhưng mà, nếu bạn lùi một bước và nhìn tổng thể bức tranh, bạn sẽ phát hiện những ý nghĩa khác tuyệt vời hơn.
Phòng khám nha khoa có thể là một nơi xa lạ và đáng sợ. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông, bạn bè và người thân có thể làm cho trẻ khủng hoảng hơn bằng một công thức phổ biến: nha khoa + nha sĩ = đau. Với việc đưa con của bạn đến phòng khám trước khi bị những tư tưởng này chi phối, bé sẽ tự mình hình thành các suy nghĩ của mình về điều trị nha khoa ngay cả khi khả năng nhận thức của bé chưa hoàn toàn phát triển. Cuộc hẹn đầu tiên thường là để cho trẻ làm quen với môi trường phòng khám, cơ sở vật chất cũng như gặp gỡ các nha sĩ thân thiện và niềm nở. Sau đó, bé sẽ được kiểm tra tổng quát sơ lược để đảm bảo không có các vấn đề tiềm ẩn, đồng thời cha mẹ cũng được phổ cập các kiến thức vệ sinh răng miệng cho bé cũng như các lời khuyên về chế độ ăn uống. Việc điều trị, nếu có, cũng rất hiếm khi được thực hiện trong lần khám đầu tiên vì đây chỉ đơn thuần là cuộc thăm hỏi mang ý nghĩa giới thiệu phòng khám nha với trẻ. Mục đích là để trẻ ra về với một suy nghĩ lạc quan mà nhờ đó mối quan hệ giữa trẻ và các nha sĩ được hình thành và gắn kết.
Trong lần thăm khám của 6 tháng sau, bé sẽ nhớ về cuộc gặp gỡ thân mật trước đó và ít sợ hãi hơn. Đối với một vài đứa trẻ, chắc chắn vẫn tồn tại một nỗi sợ nào đó và nha sĩ sẽ phải suy xét thật thận trọng cho mỗi một quyết định lúc này. Những đứa trẻ “OK” sẽ trải qua một quá trình đánh bóng răng đơn giản để giúp chúng dần quen với việc đưa các thiết bị nha khoa vào miệng. Những đứa trẻ còn sợ hãi chỉ có thể thực hiện kiểm tra tổng quát, và không ngừng động viên, củng cố niềm tin cho đến khi trẻ không còn sợ hãi.
Xem xét tình huống một đứa trẻ gần 3 tuổi nhưng chưa bao giờ đến nha sĩ. Cậu bé có nguy cơ bị sâu răng và được xem như một trường hợp khẩn cấp. Lần khám đầu tiên làm cho bé hoàn toàn bị tổn thương không chỉ bởi sự đau nhức răng mà còn vì nha sĩ điều trị đòi hỏi hoặc là nhổ hoặc là lấy tủy răng (loại bỏ các mô dạng sợi ở chính giữa răng). Cả hai phương pháp này đều thuộc dạng phẫu thuật xâm lấn và ít nhiều gây khó chịu cho bé. Đứa trẻ lúc này sẽ bắt đầu đánh đồng những nỗi đau của chúng với việc đi khám răng. Quan điểm tiêu cực này có thể sẽ dẫn đến nỗi ám ảnh mang tên nha khoa trong tương lai. Đứa trẻ này sẽ dần lớn lên với những nỗi sợ lúc nhỏ và luôn tránh xa các phòng khám nha khoa trừ khi nhất định phải đến. Vì thế, anh ta sẽ bỏ lỡ các lần kiểm tra định kỳ, đồng thời các vấn đề có thể sớm phát hiện và khắc phục sẽ chuyển biến nặng hơn, điều này dẫn đến những nỗi đau đáng sợ hơn về mặt bệnh lý cũng như chi phí chữa trị.
Nghiên cứu cho thấy nhiều ám ảnh nha khoa xuất phát từ những trải nghiệm tồi tệ thường là khi còn nhỏ hoặc khi đến khám nha sĩ lần đầu. Như đã đề cập trước đó, những câu chuyện được thêu dệt một cách kinh khủng từ cộng đồng hay anh chị em, cô dì, chú bác càng làm cho việc khám răng trở nên đáng sợ. Thử nghĩ xem, bạn hoàn toàn có thể vượt qua những nỗi sợ này một cách hiệu quả chỉ bằng cách sớm thực hiện một bài kiểm tra tổng quát đơn giản trong vòng 30 phút.