• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Ung thư vú

Ung Thư Vú

Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là dạng u ác tính. Nó xảy ra khi các tế bào vú trở nên bất thường và phân chia không có kiểm soát hay trật tự. Các tế bào bình thường phân chia và sản xuất một cách có trật tự. Đôi khi trật tự của quá trình này bị phá vỡ và tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát tạo thành các mô thừa phát triển thành khối u còn gọi là bướu. Một khối u có thể là lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Vú được tạo thành chủ yếu từ các tế bào mỡ và tế bào tuyến. Tuyến sản xuất sữa trong vú được tạo thành từ các tế bào riêng lẻ sinh sản dưới sự kiểm soát của hormone. Đôi khi quá trình sinh sản này mất kiểm soát và một cấu trúc tuyến bất thường phát triển. Đây là sự khởi đầu của ung thư. Phần lớn các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa. Một phần nhỏ phát triển từ túi sữa hoặc các tiểu thùy.

Ung thư vú phổ biến ra sao?
Hơn 25% các loại ung thư được chẩn đoán ở phụ nữ là ung thư vú. Từ năm 2010 đến năm 2014, mỗi năm có khoảng 1.856 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở Singapore. 9 trong số 10 phụ nữ đến khám bác sĩ khi phát hiện các khối u ở vú mắc phải bệnh rối loạn lành tính, không phải là ung thư. Những thay đổi bình thường có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt có thể làm cho vú cảm thấy có nốt sần.

Tuổi khởi bệnh
Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi. Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư vú lớn hơn 40 tuổi, nhưng phụ nữ trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Rủi ro và nguyên nhân

Ung thư vú thường được kích thích bằng các chu kì lặp đi lặp lại hàng tháng của các kích thích tố nữ bình thường. Độ dài của thời kỳ thụ tinh, tức là từ lần đầu tiên có kinh cho đến khi mãn kinh, là một yếu tố nguy cơ. Phụ nữ mãn kinh ở tuổi 55 có nguy cơ cao hơn rất nhiều so với người mãn kinh năm 45 tuổi. Độ tuổi mang thai lần đầu tiên cũng quan trọng: có thai lần đầu sau 30 tuổi làm tăng nguy cơ so với những người mang thai lần đầu trước 30 tuổi. Tương tự như vậy, phụ nữ chưa bao giờ mang thai cũng có nguy cơ cao hơn. Cho con bú tăng khả năng chống lại bệnh ung thư vú. Liệu pháp hormone thay thế làm tăng nguy cơ ung thư vú và cần được thảo luận trước khi bắt đầu điều trị.

Từ 5 đến 10% của tất cả các ca ung thư vú có liên quan đến các yếu tố di truyền. Các gen BRCA1 và BRCA2 đã được xác định và có thể liên quan đến ung thư vú xuất hiện trong khoảng xấp xỉ một nửa của những gia đình có tiền sử rất mạnh về bệnh ung thư vú và / hoặc ung thư buồng trứng.

Triệu chứng và dấu hiệu của ung thư vú
Khoảng 80% phụ nữ bị ung thư vú trước tiên đến tư vấn bác sĩ vì những triệu chứng mà họ tự nhận thấy. Phổ biến nhất là xuất hiện một khối u ở vú. Khối u có thể đau hoặc không. Đôi khi núm vú có thể bị nhăn lại (tụt vào trong) hoặc chảy máu, hoặc vùng da ở vú bị sưng. Núm vú có thể tiết dịch. Các hạch bạch huyết ở nách cũng có thể bị phình to. Trong trường hợp nghiêm trọng, ung thư vú có thể lây lan đến gan, phổi, xương, hoặc não.

Xét nghiệm chẩn đoán
Một khối u vú gây nghi ngờ thường được kiểm tra X-quang, được gọi là chụp nhũ ảnh, và sinh thiết bằng kim. Ngay cả khi kết quả chụp nhũ ảnh là âm tính, sinh thiết vẫn có thể cần thiết.

Chụp nhũ ảnh là một phương pháp X-quang giúp xác định mức độ phát triển của khối u. Đôi khi nó được kết hợp với siêu âm vú để xác định khối u thuộc dạng rắn hay nang, tức là chỉ chứa đầy chất lỏng. Chụp nhũ ảnh có thể hơi khó chịu vì vú bị nén vào một bề mặt kim loại để hình X-quang có chất lượng tốt. Chụp nhũ ảnh có ích trong quá trình kiểm tra sàng lọc hơn là trong quá trình đánh giá mức độ triệu chứng của khối u. Ngay cả khi kết quả chụp nhũ ảnh hoàn toàn bình thường, khối u có triệu chứng ở vú vẫn cần phải được sinh thiết.

Sinh thiết là việc lấy mẫu mô từ các khối u vú bằng cách sử dụng một ống lõi hay một kim mảnh và ống tiêm. Quá trình này có thể được thực hiện tại phòng khám. Mô được xử lý và gửi đến bác sĩ bệnh học, người sẽ quan sát mẫu mô dưới kính hiển vi. Bác sĩ bệnh học sẽ có thể xác định được mẫu mô có thuộc dạng ung thư không.

Kĩ thuật sinh thiết vú Mammotome là một công nghệ mới sử dụng thiết bị hỗ trợ chân không để lấy mẫu sinh thiết từ các khu vực tổn thương không sờ thấy. Thiết bị này có thể được định hướng bằng siêu âm hoặc X-quang. Mẫu mô nhỏ được lấy ra khỏi vú bằng cách sử dụng một kim rỗng được hướng dẫn chính xác vào vùng nghi ngờ bị tổn thương trong hình chụp nhũ ảnh. Thủ tục này thuộc dạng xâm lấn tối thiểu so với phương pháp sinh thiết phẫu thuật mở, và nó được thực hiện ngoại trú. Nó có thể lấy mẫu từ những vùng bất thường nhỏ trong hình chụp X-quang, được gọi là vùng vôi hoá nhỏ, giúp chẩn đoán sớm ung thư vú. Nó được thực hiện dưới sự gây tê tại chỗ và kéo dài khoảng 45 phút.

Một khi ung thư được chẩn đoán, các xét nghiệm khác như chụp X-quang ngực, siêu âm gan và kiểm tra xương có thể được tiến hành để xác định xem ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể chưa.

Điều trị ung thư vú
Phẫu thuật thường là giải pháp đầu tiên cho bệnh ung thư vú. Mục tiêu quan trọng của phương pháp phẫu thuật là bảo tồn vú nếu có thể, và điều này đòi hỏi việc loại bỏ các tế bào ung thư một cách an toàn và tối thiểu nhất các mô xung quanh (hay là phương pháp đường cắt rộng).

Đối với một số bệnh nhân điều này là không thể và bắt buộc phải cắt bỏ toàn bộ vú bị ảnh hưởng cùng phần cơ phía dưới (cắt bỏ vú). Các hạch bạch huyết dưới nách có thể được cắt bỏ hoàn toàn khi phẫu thuật (cắt hoàn toàn vùng nách), hoặc một cách khác, thuốc nhuộm có thể được tiêm vào khu vực khối u nguyên phát để xác định tuyến đơn chủ chốt để loại bỏ (phương pháp lấy mẫu trọng điểm). Điều quan trọng là phải dự đoán khả năng ung thư sẽ tái phát.

Xạ trị sau phẫu thuật có thể là cần thiết nếu nghi ngờ tế bào ung thư còn sót lại trong các mô vú có thể dẫn đến tái phát ung thư vú sau này (tái phát cục bộ). Xạ trị ở ngực thường tiến hành trong 5 tuần. Xạ trị gần như luôn luôn được đề nghị nếu bệnh nhân chỉ được điều trị bằng phương pháp đường cắt rộng.

Hóa trị nhằm mục đích ngăn ngừa tái phát ung thư ở những mô nằm xa vú. Hóa trị thường được khuyến khích ở phụ nữ còn trẻ và kéo dài 3 đến 6 tháng. Có thể gây buồn nôn hoặc nôn nhẹ, rụng tóc, thờ ơ hay mệt mỏi, và mất cảm giác ngon miệng. Hầu hết phụ nữ có thể tiếp tục làm việc trong thời gian này. Việc lựa chọn các loại thuốc sẽ phụ thuộc vào sức khỏe chung của từng người và các vấn đề y tế khác, giai đoạn của ung thư, và các yếu tố nguy cơ khác.

Một số ca ung thư vú có thụ thể protein đặc biệt trên các tế bào ung thư, chẳng hạn như thụ thể oestrogen và progesterone, và thụ thể Her-2neu. Bệnh nhân ung thư vú có thụ thể oestrogen hoặc progesterone có nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc bổ sung điều trị nội tiết tố. Đối với những bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn cuối, có các thụ thể Her-2neu, một dạng kháng thể dành cho her-2-neu đã được phát triển để sử dụng điều trị. Các nghiên cứu về kháng thể Her-2neu vẫn đang được phát triển, vì nó có khả năng gây tổn thương đến tim nên vẫn chưa được công nhận là phương pháp điều trị tiêu chuẩn trong quy chế adj(prophylae).

Đôi khi hóa trị liệu được tiến hành trước khi phẫu thuật để thu nhỏ vùng ung thư vú trước khi phẫu thuật. Thường là trường hợp vùng ung thư vú đặc biệt lớn.

Ở phụ nữ lớn tuổi đã đến giai đoạn mãn kinh, không phải lúc nào cũng cần tiến hành hoá trị, mà chỉ cần sử dụng kích thích tố như tamoxifen. Điều này chỉ áp dụng với các trường hợp ung thư có thụ thể oestrogen hoặc progesterone dương tính.

Ung thư vú giai đoạn cuối
Ung thư vú có thể lây lan đến phổi, gan, xương hay não tại thời điểm chẩn đoán hoặc những năm sau khi ung thư vú ban đầu đã được cắt bỏ. Lựa chọn điều trị bao gồm điều trị nội tiết tố, hóa trị liệu, hoặc xạ trị.

Tiên lượng bệnh ung thư vú
Tiên lượng có nghĩa là dự đoán kết quả có thể xảy ra trong tương lai của một căn bệnh dựa trên các dữ kiện có liên quan. Tất cả các kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm cũng như báo cáo bệnh lý đều rất quan trọng và phải được phân tích cùng nhau để tiên lượng được từng trường hợp ung thư vú.
Bác sĩ sẽ dựa trên các đặc điểm sau:

  • Kích thước ung thư vú là quan trọng. Nói chung, ung thư càng lớn, càng có nhiều khả năng ung thư sẽ tái phát. Kích thước của ung thư vú cũng ảnh hưởng đến việc có thể bảo tồn vú hay không.
  • Có bao nhiêu hạch bạch huyết ở nách bị ảnh hưởng? Càng nhiều hạch bạch huyết bị ảnh hưởng, càng có nhiều khả năng ung thư sẽ tái phát.

Nghiên cứu bệnh học có cho thấy các yếu tố nguy cơ cao như ảnh hưởng đến các mạch máu hoặc mạch bạch huyết trong mẫu cắt lấy? Các tế bào ung thư trưởng thành hay chưa trưởng thành?

Các câu hỏi thường gặp về ung thư vú
1. Chấn thương có thể gây ung thư vú không
Chấn thương ở vú không dẫn đến ung thư. Khi cơ thể cố gắng chữa lành vùng tổn thương, mô sẹo có thể hình thành. Mô sẹo này có thể bị nhầm lẫn là ung thư trong hình chụp nhũ ảnh. Tuy nhiên, các triệu chứng do chấn thương nên tự hết trong vòng một tháng. Nếu bạn lo lắng, có thể khám bác sĩ để xác nhận.

2. Có phải hầu hết các khối u ở vú đều do ung thư?
Không. Chỉ có 1 trong 10 khối u là do ung thư. Điều này có nghĩa rằng 90% các khối u vú không phải là ung thư. Tuy nhiên, nguy cơ khối u là do ung thư tăng lên khi bạn già đi. Một số phụ nữ có thể không có một khối u rõ ràng nhưng cảm thấy các khu vực u sần chung trong vú của họ. Thông thường bác sĩ sẽ giải thích rằng điều này là bình thường nhưng bạn nên yêu cầu bác sĩ triệt để kiểm tra bất kỳ thay đổi nào.

3. Khối u lành tính (không phải ung thư) có thể trở thành ung thư không?
Nguy cơ ung thư phát triển từ một khối u lành tính không khác gì so với bất kỳ phần nào khác của vú. Tuy nhiên, quan trọng là phải xác định chắc chắn khối u không phải là dạng ung thư.

4. Nếu tôi có vấn đề về vú lành tính, tôi có nhiều khả năng bị ung thư vú không?
Một số phụ nữ có vấn đề về vú lành tính có nguy cơ cao hơn một chút. Tuy nhiên, bạn nên thảo luận kĩ lưỡng với bác sĩ của bạn.

5. Các trường hợp lành tính có tái phát không?
Nói chung là không, nhưng một số ít phụ nữ sẽ phát triển các khối u lành tính mới trong tương lai.

6. Tôi cảm thấy một khối u trong vú của tôi, nhưng không hiển thị trong hình chụp nhũ ảnh. Điều đó có nghĩa là tôi không bị ung thư?
Rất nhiều phụ nữ tìm thấy cục u trong vú của họ, trở nên sợ hãi và đi chụp nhũ ảnh. Khi không phát hiện gì, họ vui vẻ vì giả định nó không phải là ung thư. Không có xét nghiệm nào là hoàn hảo. Hãy yêu cầu bác sĩ của bạn tiến hành kiểm tra kĩ hơn để tìm ra nguyên nhân của các khối u. Nhiều khối u vú không phải là ung thư, tuy nhiên bạn nên đề cập với bác sĩ.

7. Điều gì sẽ xảy ra nếu khối u là ung thư?
Nếu ung thư vú được phát hiện sớm, nó có nhiều khả năng chữa khỏi hơn. Bạn cần phải thảo luận về việc chẩn đoán và lựa chọn điều trị tốt nhất với bác sĩ của mình.

8. Tôi nên làm gì nếu bác sĩ của tôi nói rằng vấn đề về vú của tôi không đáng lo ngại nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm?
Nếu bác sĩ đã kết luận vấn đề của bạn là do nội tiết tố, bạn nên chờ cho đến hết chu kì kinh nguyệt tiếp theo để xem nếu vấn đề vẫn còn đó. Nếu nó vẫn tồn tại hoặc bạn vẫn còn lo lắng, bạn có thể gặp lại bác sĩ để tham khảo ý kiến.

9. Nếu có người bị ung thư vú trong gia đình tôi thì sao?
Những phụ nữ có tiền sử gia đình mạnh mẽ, chẳng hạn như mẹ và / hoặc chị em gái mắc bệnh ung thư vú trước khi mãn kinh có thể có nguy cơ ung thư vú cao hơn. Nếu bạn lo lắng về tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia về vú.

10. Tôi vẫn có chu kỳ kinh nguyệt không sau khi điều trị ung thư vú?
Điều trị bằng hóa trị và liệu pháp nội tiết tố có thể gây ra những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn, dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc mãn kinh sớm. Nếu bạn đã bị mãn kinh, bạn có thể không có kinh trở lại nữa.

11. Tôi có thể mang thai không khi tôi bị ung thư vú?
Sự thay đổi nồng độ hormone sinh dục nữ trong thời kỳ mang thai được cho là có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú. Tuy nhiên, không có dữ liệu chứng minh điều này. Một số bác sĩ sẽ khuyên bạn nên chờ một hoặc hai năm sau khi hoàn thành quá trình điều trị trước khi thụ thai. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thảo luận với bác sĩ trước khi lập kế hoạch thụ thai.

12. Khi nào nên phẫu thuật cắt bỏ vú?
Một số phụ nữ cho rằng phẫu thuật cắt bỏ vú có mức độ thẩm mỹ cao hơn so với phương pháp chỉ loại bỏ khối u, vì việc tái tạo lại vú hiện nay có thể đạt được bằng cách sử dụng chất làm tăng mô hoặc nắp da. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn liệu bạn có thích hợp cho việc tái tạo vú không.

Hiệp hội Ung thư Singapore có Chương trình tiếp cận để phục hồi nhằm cung cấp hỗ trợ về thể lực, thẩm mỹ, hậu phẫu và tâm lý cho bệnh nhân. Tình nguyện viên thường là những phụ nữ đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú.

Các câu hỏi thường gặp (Phát hiện sớm và Phòng ngừa)

1. Nếu tôi chụp nhũ ảnh thường xuyên, tôi có phải tiếp xúc với mức độ bức xạ nguy hiểm không?

Tiếp xúc với bức xạ từ các thiết bị chụp nhũ ảnh hiện đại được cho là an toàn.

2. Tôi có một khối u trong vú. Tôi sợ phải đến gặp bác sĩ vì sợ nó là ung thư.

Dù lo lắng của bạn là điều dễ hiểu, bạn nên gặp bác sĩ gia đình càng sớm càng tốt. Phần lớn các khối u vú không phải là ung thư.

3. Mẹ / dì của tôi qua đời vì bệnh ung thư vú. Tôi có khả năng bị ung thư vú cao hơn không?

Một tỷ lệ nhỏ các ca ung thư vú có liên quan đến yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Tùy thuộc vào số lượng người thân bị mắc bệnh, bạn có thể có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. Hầu hết các bác sĩ gia đình hoặc bệnh viện sẽ cung cấp thông tin cho bạn về cách tự kiểm tra vú và chụp hình nhũ ảnh để sàng lọc.

Các câu hỏi thường gặp (điều trị)

1. Tôi đã được chẩn đoán bị ung thư vú. Tôi có khá hơn được không?
Nhiều phụ nữ bị ung thư vú có tuổi thọ bình thường. Hãy thoải mái thảo luận tiên lượng tình trạng của bạn với bác sĩ.

2. Tôi có phải phẫu thuật cắt bỏ vú không
Điều này còn phụ thuộc vào vị trí, kích thước và loại ung thư vú cũng như kích thước của vú của bạn.

3. Xạ trị hoặc hóa trị liệu có gây ra biến dạng và thiệt hại lâu dài không?
Thông thường phụ nữ không bị tổn thương lâu dài từ những kĩ thuật xạ trị hiện đại. Hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị liệu là tạm thời. Buồn nôn và ói mửa được kiểm soát ở hầu hết các bệnh nhân. Rụng tóc vẫn còn phổ biến, và bạn có thể cần dùng tóc giả tạm thời. Chu kì kinh nguyệt của bạn có thể bị gián đoạn trong quá trình hóa trị nhưng có thể trở lại bình thường khi bạn hoàn thành điều trị hoá chất. Tuy nhiên, đối với phụ nữ trong độ tuổi cuối 30 và 40, mãn kinh có thể xảy ra sớm, có thể tăng nguy cơ loãng xương và bệnh tim. Nếu bị sốt trong khi đang hóa trị liệu, bạn nên gặp bác sĩ ngay lập tức trong trường hợp cần sử dụng kháng sinh.

Các câu hỏi thường gặp (liệu pháp hormone điều trị ung thư vú)

1. Tại sao tôi cần điều trị nội tiết tố?
Bình thường nội tiết tố nữ như oestrogen có thể thúc đẩy tăng trưởng của các mô vú bình thường khỏe mạnh, nhưng nó cũng có thể đẩy nhanh sự tăng trưởng và tái phát của ung thư vú. Thuốc làm chậm sự phát triển ung thư vú bằng cách can thiệp vào hoạt động bình thường của nội tiết tố nữ, gọi chung là liệu pháp hormone. Một số ung thư vú cần oestrogen để tăng trưởng. Liệu pháp hormone có thể ngăn chặn các hormone tự nhiên của cơ thể kích hoạt sự phát triển hay lây lan của các tế bào ung thư.

2. Tôi sẽ phải dùng thuốc gì? Nó có tác dụng gì?
Các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng khi điều trị hormone cho ung thư vú là dạng viên nén để uống tamoxifen, ngăn chặn hoạt động của oestrogen.

3. Tôi có bị bất kỳ tác dụng phụ nào không? Tôi có thể làm gì nếu có?
Bạn có thể gặp các tác dụng phụ thông thường sau đây:

  • Bị nóng bừng / đổ mồ hôi. Mặc quần áo mỏng để giữ mát khi nóng bừng xảy ra.
  • Ngứa ngáy âm đạo. Một số phụ nữ bị khô âm đạo hoặc có tiết dịch. Báo cho bác sĩ của bạn để được giới thiệu kem hoặc chất bôi trơn không có oestrogen.
  • Kinh nguyệt bất thường. Một số phụ nữ tiền mãn kinh có thể bị kinh nguyệt không đều. Một số phụ nữ khi họ ngừng uống tamoxifen, chu kỳ kinh nguyệt của họ trở lại bình thường.

Các tác dụng phụ ít gặp hơn là trầm cảm, tâm tính thất thường và nguy cơ phát triển ung thư tử cung và huyết khối tĩnh mạch sâu tăng lên. Nên thường xuyên kiểm tra phụ khoa.

4. Tôi phải điều trị nội tiết tố trong bao lâu
Khi điều trị ung thư vú giai đoạn đầu, tamoxifen thường quy định trong 5 năm. Bệnh nhân bị ung thư giai đoạn sau có thể có thời gian điều trị khác nhau tùy thuộc vào phản ứng của họ với thuốc.

5. Tại sao một số phụ nữ cần điều trị nội tiết tố trong khi những người khác thì không?
Nhiều ung thư vú có thụ thể oestrogen và progesterone. Thụ thể là các protein trên bề mặt của tế bào ung thư để các kích thích tố đặc trưng (ví dụ: oestrogen hoặc progesterone) gắn vào. Nếu ung thư có thụ thể oestrogen hoặc progesterone, thường điều trị nội tiết tố sẽ có lợi.

Các câu hỏi thường gặp (vú giả)

1. Tôi có những lựa chọn vú giả nào?
Có rất nhiều lựa chọn. Loại vú giả cần cho bạn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Nó nên mô phỏng chặt chẽ trọng lượng và hình dạng của vú tự nhiên và tương tự với vú còn lại của bạn. Nếu bạn cần tư vấn, hãy đến gặp y tá chăm sóc vú của bạn.

2. Vú giả có thể rửa không? Làm thế nào để chăm sóc?
Có, vú giả có thể được rửa sạch. Hướng dẫn về cách chăm sóc vú giả có thể được tìm thấy trong hộp khi mua. Bạn cũng nên cất vú giả trong hộp khi không sử dụng.

Các câu hỏi thường gặp (Tái thiết vú)

1. Tái thiết vú là gì?
Tái tạo vú là việc tạo ra vú mới để thay thế cho vú đã bị cắt bỏ. Việc tái tạo vú không ảnh hưởng đến khả năng sống hoặc việc điều trị ung thư vú. Thủ thuật này có thể được thực hiện cùng lúc với giải phẫu cắt bỏ vú hoặc sau đó. Vú có thể được tái tạo bằng cách sử dụng bộ phận cấy ghép, chẳng hạn như silicone, nước muối, bình thường, hoặc mô từ cơ thể của bạn (tham khảo ý kiến chuyên gia).

2. Khi nào có thể thực hiện tái thiết vú?
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Nó có thể được thực hiện tại thời điểm cắt bỏ vú, một vài tháng sau đó hoặc thậm chí nhiều năm sau đó. Thời gian có thể phụ thuộc vào loại bệnh ung thư vú, bạn có cần tiếp tục điều trị hay không (ví dụ: hoá trị liệu), cách tiếp nhận về việc cắt bỏ vú của bạn, sức khỏe chung của bạn, cũng như các mối lo khác như chi phí. Thảo luận những vấn đề này với bác sĩ phẫu thuật vú và bác sĩ phẫu thuật cấy ghép bộ phận giả của bạn. Hãy tham khảo nhiều ý kiến nếu bạn cần.

3. Tôi có thể tập thể dục sau khi tái tạo vú?
Hoạt động tích cực và tập thể dục thường xuyên là rất tốt nếu bạn có thể. Tập thể dục nhẹ, chẳng hạn như đi bộ sau khi phẫu thuật, có thể hỗ trợ quá trình phục hồi. Mức độ và loại hình thể dục sẽ phụ thuộc vào thói quen và sức khoẻ của bạn. Tốt nhất là hãy thảo luận với bác sĩ.

4. Tôi có cần phải đi kiểm tra vú thường xuyên sau khi tái thiết vú không?
Nên chụp nhũ ảnh thường xuyên để kiểm tra vú còn lại. Nên tiếp tục BSE. Kiểm tra cả hai vú, vú còn lại và vú tái thiết cùng lúc mỗi tháng. Bạn sẽ tìm ra trạng thái bình thường cho mình sau khi tái tạo vú. Vú tái tạo có thể cảm thấy khác và vú còn lại có thể cũng qua thay đổi.

Các câu hỏi thường gặp (cho con bú)

1. Sau khi được chẩn đoán bị ung thư vú, tôi vẫn có thể cho con bú sữa mẹ không?
Bạn vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ từ vú không bị ảnh hưởng. Không nên cho bé bú từ vú bị ung thư, vì nó sẽ không thể sản xuất đủ sữa.

2. Tôi có thể nuôi con bằng sữa mẹ sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị không?
Có, bạn có thể. Phẫu thuật cắt bỏ khối u không quá rộng để có thể ảnh hưởng đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của bạn, nhưng bức xạ thì có thể. Vú đã được điều trị với bức xạ vẫn có thể trải qua những thay đổi tương tự như bình thường trong thời kỳ mang thai, nhưng nó sẽ sản xuất ít hoặc không có sữa. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cho con bú sữa mẹ với vú còn lại.

3. Tôi có thể nuôi con bằng sữa mẹ sau khi cắt bỏ vú không?
Có, bạn vẫn có thể cho con bú sữa mẹ với vú còn lại. Cần chăm sóc thường xuyên giai đoạn đầu để tăng nguồn cung cấp sữa.

4. Tôi có thể cho con bú sau khi sinh thiết không?
Được. Sinh thiết không ảnh hưởng đến khả năng cho con bú sữa mẹ. Thậm chí nếu bạn cần sinh thiết trong khi đang nuôi con bằng sữa mẹ, bạn vẫn có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, bạn nên thảo luận về vấn đề này với bác sĩ.

Các câu hỏi thường gặp (bài tập cánh tay)

1. Tại sao tôi cần phải tập thể dục?
Bạn được khuyến khích tập thể dục cánh tay bên bị ảnh hưởng sau khi phẫu thuật để ngăn ngừa bị cứng khớp vai.

2. Khi nào tôi nên bắt đầu bài tập cánh tay?
Hoàn toàn bình thường nếu cảm thấy mệt mỏi trong một vài ngày sau khi phẫu thuật. Bạn nên bắt đầu các bài tập ngay sau khi cảm thấy đủ khoẻ. Có thể ngay trong ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật. Càng bắt đầu sớm, bạn càng hồi phục lại cử động bình thường của vai nhanh hơn.

Di chuyển lên đầu