• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Ung thư kết trực tràng

Ung Thư Kết Trực Tràng

Ung thư kết trực tràng là ung thư phát triển từ các tế bào của ruột già. Ruột già bao gồm kết tràng và trực tràng. Trực tràng bao gồm 15 cm cuối cùng của ruột già và nằm trong xương chậu được tạo thành từ các xương hông. Đây là một khu vực rất nhỏ và khoảng cách giữa vị trí ung thư đến các cơ quan bình thường xung quanh là rất ngắn. Do đó, tỉ lệ lây lan của bệnh ung thư đến các cơ quan lân cận trong vùng chậu là đáng kể.

Kết tràng hình thành phần còn lại của ruột già nằm phía trên của hông. Nó được bao quanh bởi các mô mỡ, được gọi là mạc nối, và được cố định bởi các mô mỡ khác, được gọi là mạc treo, vào thành khoang bụng. Trong mạc treo có các tuyến bạch huyết.

Ung thư có thể phát triển từ lớp lót tế bào của ruột già. Ung thư có thể gây ra tắc nghẽn ruột, hoặc chảy máu vào phân.

Bệnh ung thư kết trực tràng phổ biến ra sao?
Ung thư kết trực tràng là ung thư phổ biến nhất hiện nay tại Singapore ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Có khoảng 1580 trường hợp được chẩn đoán từ 2005-2009 tại địa phương.

Tuổi khởi bệnh
Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư kết trực tràng đều lớn hơn 45 tuổi. Người trẻ hơn, ít hơn 20 tuổi, nếu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư kết trực tràng thường là do dạng di truyền của ung thư kết trực tràng, chẳng hạn như bệnh đa polyp tuyến gia đình.

Rủi ro và nguyên nhân

Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên khi có:

  • Tiền sử cá nhân bị các khối u (polyp) kết trực tràng hay ung thư kết trực tràng;
  • Tiền sử cá nhân bị bệnh viêm đường ruột như viêm loét đại tràng;

Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư kết trực tràng và / hoặc bệnh đa polyp tuyến gia đình hoặc ung thư kết trực tràng do di truyền không polyp.

Triệu chứng và dấu hiệu của ung thư kết trực tràng
Các triệu chứng thông thường là sự thay đổi trong thói quen ruột, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc táo bón dai dẳng hoặc thay đổi lượng phân. Máu lẫn với phân cũng là dấu hiệu đáng ngờ luôn cần được kiểm tra y tế kịp thời.

Các triệu chứng khác bao gồm bị khó chịu dai dẳng vùng bụng hoặc đau. Đôi khi có thể cảm thấy được khối u trong bụng.

Chẩn đoán

Xét nghiệm chẩn đoán

Cách đơn giản nhất để phát hiện ung thư trực tràng là kiểm tra máu lẫn trong phân (FOBT). Đây là một xét nghiệm được sử dụng để phát hiện ra lượng máu ẩn hoặc rất nhỏ trong phân có thể giúp chẩn đoán bệnh ung thư. Kết quả xét nghiệm dương tính không nhất thiết có liên quan đến ung thư kết trực tràng vì cũng có nhiều bệnh khác có thể gây ra máu trong phân (ví dụ như bệnh trĩ).
Kiểm tra trực tràng kỹ thuật số. Phương pháp này thường bao gồm trong chương trình kiểm tra sức khoẻ định kì và có thể được thực hiện tại các phòng khám ngoại trú, kéo dài dưới 5 phút và ít gây khó chịu. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phát hiện được ung thư trong đoạn 5 đến 8 cm cuối cùng của trực tràng.

Đối với ung thư nằm sâu hơn trong ruột già, nội soi ruột sigma (sigmoidoscope) hoặc nội soi ruột kết (colonoscope) có thể được thực hiện. Những ống sợi quang linh hoạt được đưa qua trực tràng vào kết tràng. Thông qua những ống này, mẫu mô của khối u có thể được lấy để làm thêm xét nghiệm. Các ống này được chèn vào dưới sự gây mê tối thiểu tại phòng khám ngoại trú. Mặc dù không thoải mái, thủ thuật này chỉ kéo dài dưới 30 phút.

Thuốc xổ bari là phương pháp kiểm tra X-quang toàn bộ chiều dài của ruột già. Thuốc nhuộm được truyền qua một ống hẹp vào trực tràng và phủ đều chiều dài của ruột. Nhiều phim X-quang được chụp trên các phần khác nhau của ruột già và các khu vực bất thường sẽ được xác định. Bác sĩ có thể kiểm tra kĩ hơn bằng nội soi kết tràng hoặc nội soi ruột sigma để làm sinh thiết các khu vực nghi ngờ.

Lựa chọn điều trị 

Điều trị ung thư kết tràng
Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật. Khối u, mô mỡ xung quanh và các tuyến bạch huyết được cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật. Hai đầu của phần ruột bị cắt được nối lại với nhau. Nếu vì một số lý do kết tràng không thể nối lại được, một lỗ thoát nhân tạo cho kết tràng, được gọi là hậu môn giả, có thể được thực hiện. Lỗ thoát này cho phép chất thải được loại bỏ khỏi cơ thể khi lối thoát bình thường không thể sử dụng hoặc đã được cắt bỏ. Hậu môn giả có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư, hóa trị có thể được tiến hành sau khi phẫu thuật để cải thiện cơ hội lành bệnh của bệnh nhân. Hóa trị liệu bao gồm việc tiêm thuốc chống ung thư vào tĩnh mạch tay. Hóa trị, kéo dài từ 6 đến 12 tháng, thường đi kèm với viêm loét miệng nhẹ, tiêu chảy nhẹ, rụng tóc nhẹ, có thể bị sậm da, và buồn nôn. Thuốc phổ biến nhất được sử dụng là 5 – fluorouracil, mặc dù các loại thuốc khác cũng có thể được bổ sung.

Điều trị ung thư trực tràng

Tương tự, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật. Do vị trí của trực tràng trong xương chậu, nguy cơ ung thư lây lan sang các cơ quan xung quanh, chẳng hạn như tử cung, bàng quang và xương, là cao. Ngay cả khi ung thư đã được cắt bỏ hoàn toàn khi phẫu thuật, đôi khi các tế bào ung thư không thể phát hiện vẫn có thể còn nằm trong các vùng phụ cận vì khoảng cách giữa khu vực ung thư và các mô bình thường là quá ngắn. Do đó, tùy thuộc vào mức độ ung thư đã lây lan đến các mô mỡ xung quanh và các cơ quan khác, xạ trị đôi khi được sử dụng để giảm kích thước của ung thư kết trực tràng trước khi phẫu thuật.

Thường xuyên hơn, trị liệu này được sử dụng sau khi phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại và ngăn ngừa ung thư tái phát.

Xạ trị bao gồm việc chiếu các tia năng lượng cao vào một khu vực nhỏ, vị trí nguyên thuỷ của ung thư. Quá trình điều trị diễn ra hàng ngày khoảng 5 phút, thường kéo dài 5-6 tuần. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm tiêu chảy, mệt mỏi, da đỏ và phát ban. Ở một số phụ nữ, xạ trị gây mãn kinh sớm.

Cũng như ung thư ruột kết, hóa trị cũng có thể được yêu cầu sau khi phẫu thuật. Xạ trị có thể được tiến hành cùng với hóa trị.

Tiên lượng bệnh ung thư kết trực tràng
Tiên lượng có nghĩa là tiên đoán kết quả có thể xảy ra của một căn bệnh dựa trên tất cả các dữ kiện có liên quan. Tất cả các kết quả khám lâm sàng và chụp X-quang cũng như báo cáo bệnh lý rất quan trọng và phải được xem xét cùng nhau để quyết định tiến độ của từng trường hợp ung thư kết trực tràng. Từ đó, quá trình điều trị thích hợp có thể được quyết định và đưa vào áp dụng. Các chiến lược điều trị sẽ khác nhau tuỳ vào từng cá nhân. Nếu được điều trị kịp thời và thích hợp, triển vọng của người bị ung thư kết trực tràng thời kỳ đầu là tốt.

Các câu hỏi thường gặp về ung thư kết trực tràng
1. Tôi có bệnh trĩ. Nó có trở thành ung thư không?
Trĩ là những mạch máu phình to của trực tràng. Chúng phát sinh do táo bón hoặc mang thai. Chúng không trở thành dạng ung thư. Tuy nhiên, chúng sẽ thỉnh thoảng gây chảy máu và qua nhiều năm có thể gây thiếu máu hoặc giảm lượng hồng cầu dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở. Trĩ gây chảy máu, ngứa hoặc tiết dịch cần được khám chuyên khoa. Bất kỳ dấu hiệu chảy máu nào từ hậu môn đều cần được kiềm tra và không nên giả định là do trĩ.

2. Cha / chú tôi được chẩn đoán bị ung thư ruột già? Tôi có nguy cơ cao hơn không?
Người được xem là có nguy cơ cao bị ung thư kết trực tràng là những người có tiền sử bị các khối u (polyp) trong kết trực tràng, từng bị ung thư kết trực tràng, người có người thân trực tiếp bị ung thư kết trực tràng trước tuổi 45, người có hai hoặc ba người thân trực tiếp bị ung thư kết trực tràng ở mọi lứa tuổi, người có một thành viên trong gia đình bị bệnh đa polyp tuyến gia đình.

Bất kỳ bệnh nhân nào bị đa polyp tuyến gia đình thường được đề nghị từ bác sĩ phẫu thuật của họ để gửi tất cả thành viên còn lại của gia đình đi kiểm tra. Đây là một căn bệnh di truyền, mà hàng trăm hàng ngàn các khối u phát triển trong kết tràng, trực tràng và đôi khi trong dạ dày. Nó thường xuất hiện từ tuổi thanh thiếu niên. Nguy cơ phát triển bệnh ung thư kết trực tràng từ một trong những khối u này là rất cao. Rất thường xuyên, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ ruột kết trước khi phát triển thành ung thư ruột kết. Họ vẫn có thể sống bình thường sau khi phẫu thuật. Việc chẩn đoán của bệnh đa polyp tuyến gia đình thường được thực hiện bằng nội soi ruột sigma hoặc nội soi kết tràng. Gần đây, một loại xét nghiệm máu đã được phát triển để có thể phát hiện các gen bất thường dẫn đến tình trạng này.

Người được coi là có nguy cơ cao phát triển ung thư kết trực tràng nên thực hiện nội soi kết tràng mỗi 3 năm. Người có tiền sử polyp kết tràng nên thực hiện nội soi kết tràng và loại bỏ các khối u hằng năm cho đến khi không phát hiện có khối u mới nào. Sau đó, nội soi nên được thực hiện mỗi 3 năm.

3. Tôi sợ mình bị ung thư kết trực tràng. Tôi có nên đi kiểm tra?
Nếu bạn lo lắng về bệnh ung thư kết trực tràng, bạn có thể thảo luận về khả năng làm xét nghiệm phân có lẫn máu với bác sĩ tổng quát của mình. Phương pháp kiểm tra hiệu quả nhất là nội soi kết tràng, được kiến nghị bao gồm trong kiểm tra định kì ở một số nước cho người từ 50 – 70 tuổi mỗi 3 năm.

4. Tôi đã được chẩn đoán bị ung thư kết trực tràng. Tôi sẽ sống được bao lâu?
Nhiều người bị ung thư kết trực tràng có tuổi thọ bình thường. Các phương pháp điều trị hiện nay có tiên lượng rất tốt, nhưng bạn có thể phải kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau để có cơ hội tốt nhất tránh ung thư bị tái phát.

Di chuyển lên đầu