1. Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp (THA) được xem là một trong những bệnh có tần suất mắc bệnh cao nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tần suất THA vẫn không ngừng gia tăng không những trên thế giới mà ngay tại nước ta, theo thống kê năm 2018 trên toàn cầu có 1 tỷ người THA và dự kiến sẽ tăng 1.5 tỷ vào năm 2025. THA là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm với khoảng 10 triệu người năm 2015; trong đó có 4,9 triệu người do bệnh mạch vành và 3,5 triệu người do đột quỵ. Nó cũng là yếu tố nguy cơ chính của suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu ngoại vi, suy giảm chức năng nhận thức …
Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp được định nghĩa khi:
– Huyết áp đo tại phòng khám: huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc húet áp
tâm trương ≥ 90mmHg
Hoặc
– Huyết áp đo tại nhà trung bình: huyết áp tâm thu ≥ 135mmHg và/hoặc huyết
áp tâm trương ≥ 85mmHg
Hoặc
– Huyết áp đo liên tục (ambulatory)
+ Trung bình ngày (hoặc thức): huyết áp tâm thu ≥ 135mmHg và/hoặc
huyết áp tâm trương ≥ 85mmHg
+ Trung bình đêm (hoặc ngủ): huyết áp tâm thu ≥ 120mmHg và/hoặc
huyết áp tâm trương ≥ 70mmHg
+ Trung bình 24 giờ: huyết áp tâm thu ≥ 130mmHg và/hoặc huyết áp tâm
trương ≥ 80mmHg
Việc điều trị bao gồm: thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn kiêng mặn, giảm béo, ngưng thuốc lá, hạn chế tối đa bia rượu, tập thể dục thường xuyên tối thiểu 30 phút/buổi và 5 buổi/tuần (còn tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh); giảm stress; thuốc hạ huyết áp (theo tư vấn của bác sĩ)
2. Bảo vệ sức khoẻ người bị tăng huyết áp trong dịch Covid 19
Trong đại dịch Covid 19 hiện nay trên toàn thế giới đã có một số báo cáo khoa học ghi nhận tỷ lệ biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp hoặc tử vong cao hơn ở những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…Ngày 30/03/2020, tạp chí Mayor Clinic Proceedings đã đăng tải trên mạng báo cáo của Bộ Y tế Italia vào ngày 20/03/2020 ghi nhận kết quả nghiên cứu dọc trên 481 bệnh nhân tử vong vì bệnh COVID-19 cho thấy tuổi trung bình 78 tuổi và bệnh đi kèm thông thường nhất là tăng huyết áp 74%, đái tháo đường 34%, bệnh cơ tim thiếu máu 30% và rung nhĩ 22%.
Vì thế, những người lớn tuổi nhiều bệnh lý nền đặc biệt tăng huyết áp, đái tháo đường cần tuân thủ theo khuyến cáo của phòng ngừa bệnh COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam, sử dụng các nguyên tắc phòng ngừa đơn giản như: ngủ đúng giờ, ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày; ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp tình trạng bệnh lý (chất đạm, chất béo, tinh bột…); dinh dưỡng nên đa dạng tăng cường bổ sung trái cây, rau củ..và tăng cường luyện tập thể dục cũng như tránh lo âu căng thẳng nhằm tăng cường sức đề kháng; rửa tay và cách ly theo quy định của chính phủ. Và chắc chắn uống thuốc theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.
Gần đây, một số báo cáo y khoa ghi nhận có sự liên quan giữa tổn thương phổi ở những bệnh nhân COVID-19 và nhóm thuốc ức chế hệ thống RAS, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cải và chưa có khuyến cáo chính thức từ các Hiệp Hội Y khoa chính thống.
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ, Bác Sĩ Huỳnh Kim Phượng