• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Suy Tim

Suy Tim

 

Suy tim là tình trạng mà tim mất khả năng bơm đủ máu đến các mô của cơ thể. Kết quả, những cơ quan chính và những mô khác không nhận đủ chất dinh dưỡng và oxygen để thực hiện chức năng của nó một cách hợp lý. Bệnh nhân suy tim sẽ bị ứ dịch ở các mô gọi là phù. Suy tim có ứ dịch gọi là suy tim sung huyết. Phù xảy ra ở những vùng nào đó tùy thuộc vào phần tim bị ảnh hưởng của suy tim.
Trong hầu hết các trường hợp, suy tim là một bệnh mãn tính không thể chữa lành hoàn toàn được. Tuy nhiên, chúng ta có thể quản lý và điều trị suy tim bằng thuốc, chế độ ăn, luyện tập thể lực và thay đổi lối sống. Ghép tim sẽ được xem xét trong một số trường hợp.

Nguyên Nhân:

Nguyên nhân tim thường được gặp nhất là:

  • Bệnh mạch vành và cơn đau tim (im lặng – không triệu chứng)
  • Bệnh cơ tim
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh van tim
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Nghiện rượu và thuốc

Trong bệnh mạch vành, động mạch cung cấp máy cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Bệnh nhân sẽ bị những cơn đau tim khi dòng máu đến một vùng nào đó của tim bị tắc nghẽn hoàn toàn. Cơ tim sẽ bị tổn thương ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, suy tim sẽ tiến triển. Có vài cơn đau tim không được nhận biết. Bệnh cơ tim có thể do bệnh mạch vành và những bệnh lý tim khác. Thỉnh thoảng, nguyên nhân không được tìm ra và những trường hợp như thế được gọi là bệnh cơ tim vô căn. Bệnh cơ tim làm suy yếu cơ tim, đưa đến suy tim.

Tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp khác của suy tim. Tăng huyết áp đòi hỏi tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Sau một thời gian tim không thể gắng sức được nữa và triệu chứng suy tim sẽ xuất hiện. Khuyết tật van tim, bệnh tim bẩm sinh, nghiện rượu và thuốc có thể gây tổn thương tim rồi đưa đến suy tim.

Triệu Chứng:

Bệnh nhân bị suy tim có thể có các triệu chứng sau:

  • Khó thở
  • Thường ho, đặc biệt khi nằm
  • Phù cẳng chân, bàn chân và mắt cá
  • Sình bụng và đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt và hoa mắt
  • Đột tử

Một bệnh nhân bị suy tim có thể khó thở và ho do có nhiều dịch trong phổi. Phù phổi có thể làm bệnh nhân ho có đàm lẫn bọt hồng. Những triệu chứng khác của suy tim bao gồm nhiều dịch ở trong tĩnh mạch và mô cơ thể gây phù ở bàn chân, cẳng chân và bụng. Khi mô cơ thể, chẳng hạn như các cơ quan và cơ không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, chúng không thể hoạt động tốt, dẫn đến mệt mỏi và chóng mặt.

Chẩn Đoán

Chẩn đoán suy tim dựa vào:
• Triệu chứng
• Tiền sử
• Khám thực thể
• X-quang ngực
• Điện tâm đồ (ECG, cũng gọi là EKG)
• Những xét nghiệm hình ảnh học khác
• Thông tim

Những triệu chứng sẽ cung cấp những gợi ý quan trọng về sự hiện diện của suy tim.
Khó thở khi vận động và những cơn khó thở lúc nghỉ là triệu chứng cổ điển của suy tim. Khi khám thực thể, bác sĩ sẽ nghe tim bằng ống nghe. Những triệu chứng của suy tim như tiếng tim không đều, gallop, nhịp tim nhanh, âm thổi ở van tim. Nếu có dịch trong phổi, có thể nghe thấy ran. Nhịp thở nhanh và những thay đổi khác về nhịp thở có thể khám thấy. Bệnh nhân bị suy tim có thể có nhịp tim nhanh.
Khám bụng bác sĩ có thể thấy gan to. Da đầu ngón tay và ngón chân có thể có màu xanh nhạt và cảm thấy lạnh nếu không được cung cấp đủ oxy.
X-quang ngực có thấy dịch trong phổi hoặc tim lớn. Những bất thường về van tim và những cấu trúc khác cũng có thể được nhìn thấy trên X-quang ngực.
Điện tâm đồ sẽ cung cấp thông tin về nhịp tim, kích thước tim và cho thấy nếu buồng tim lớn hoặc nếu tổn thương cơ tim do tắc nghẽn động mạch. Siêu âm tim sẽ thấy vách hoặc buồng tim lớn và những bất thường về van tim. Siêu âm tim cũng được dùng để phát hiện dòng máu ở tim được bơm như thế nào.
Chụp tâm thất bằng phóng xạ hạt nhân được sử dụng để đo những chất được phóng ra bằng hình ảnh với liều rất thấp chất phóng xạ được chích vào và đi ngang qua tim.Thông tim được dùng để đo áp lực trong tim và lượng máu tim bơm ra. Thủ thuật này có thể giúp tìm thấy những bất thường của động mạch vành, van tim, cơ tim và những mạch máu khác. Kết hợp với siêu âm tim và những xét nghiệm khác, thông tim có thể tìm thấy nguyên nhân suy tim. Tuy nhiên, thủ thuật này không phải luôn luôn cần thiết.

Điều trị

Suy tim thường được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Sự thay đổi trong chế độ ăn để duy trì trọng lượng thích hợp và giảm lượng muối ăn vào. Giảm lượng muối ăn vào có thể làm giảm phù ở bàn chân, cẳng chân và bụng. Tập thể dục thích hợp như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu có thể được khuyến cáo, nhưng phải có sự tư vấn của bác sĩ đối với bệnh nhân suy tim khi họ muốn bắt đầu tập thể dục. Viện Tim Quốc gia Singapore cung cấp chương trình Tim dự phòng và Tim phục hồi cho bệnh nhân được xác định có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim hoặc những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật tim hở.
Những thay đổi lối sống khác có thể làm giảm triệu chứng suy tim bao gồm ngưng hút thuốc, giới hạn hoặc giảm uống rượu hoặc không sử dụng thuốc có hại.
Một hoặc những dạng thuốc sau có thể được sử dụng cho bệnh nhân suy tim như:

  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc tăng co bóp cơ tim
  • Thuốc dãn mạch
  • Thuốc ức chế beta
  • Thuốc ức chế men chuyển (ức chế ACE)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs)
  • Thuốc ức chế kênh Canxi

Thuốc lợi tiểu đào thải muối và nước dư thừa qua thận bằng cách làm bệnh nhân đi tiểu nhiều lần. Điều này giúp làm giảm phù do ứ dịch ở mô. Digoxin giúp cơ tim bơm mạnh hơn. Dãn mạch, ức chế ACE, ức chế thụ thể angiotensin và ức chế kênh canxi làm giảm huyết áp và dãn mạch máu làm tim bơm máu ra dễ dàng hơn.Thỉnh thoảng, phẫu thuật sẽ cần thiết để điều chỉnh những bất thường của tim hoặc van tim, hạn chế nguyên nhân gây suy tim.
Bệnh tim bẩm sinh và những bất thường ở van tim có thể được sửa chữa bằng phẫu thuật. Động mạch vành bị tắc nghẽn thường được điều trị bằng nong động mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Với những trường hợp suy tim nặng, cơ tim có thể bị tổn thương nhiều mà những phương pháp điều trị hiện nay không giúp ích được. Bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối thường được xem xét để ghép tim khi tất cả những biện pháp điều trị khác không đạt hiệu quả.

 

Nguồn:https://www.singhealth.com.sg/PatientCare/ConditionsAndTreatments/Pages/Heart-Failure.aspx

Di chuyển lên đầu