• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

NHỮNG KỸ NĂNG DÀNH CHO LẦN ĐẦU LÀM CHA MẸ

Trại huấn luyện dành cho cha mẹ lần đầu có con nhỏ: Những kỹ năng cần thiết phải biết

Đối với những việc tưởng như rất nhỏ nhặt, trẻ con có thể khiến cho bạn cực kỳ hoảng sợ, đặc biệt khi bạn lần đầu làm cha mẹ. Chẳng có một hướng dẫn sử dụng nào đi kèm với trẻ sơ sinh cả, vì vậy đây là 101 bí quyết sinh tồn dành cho bạn – những ông bố, bà mẹ đang và sẽ trải qua tháng ngày đầu tiên cùng thành viên bé nhỏ vừa chào đời.

Cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, khoảnh khắc cảm nhận được đứa bé, tôi biết mình sắp trở thành mẹ, và tôi bắt đầu nghiền ngẫm mọi quyển sách hướng dẫn nuôi dạy con mà tôi có thể tìm được. Mỗi quyển sách dày cả trăm trang với một loạt các lời khuyên mà đôi khi chúng lại còn mâu thuẫn nhau (chẳng hạn như, Đừng để bé khóc! rồi lại Hãy để bé khóc!). Tuy nhiên, về cơ bản có một số kỹ năng cần thiết mà mọi cha mẹ đều phải học khi lần đầu chăm sóc cho một đứa trẻ sơ sinh.

1. Làm thế nào bồng một đứa bé

Vài phút sau khi ra đời, đứa bé sẽ được chuyển đến vòng tay bạn – một khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng, mà cũng vô cùng lúng túng vì bạn không biết làm sao để bế con. Hãy nhớ một nguyên tắc cơ bản là luôn đỡ lấy phần đầu và cổ trong khi vẫn giữ toàn bộ phần thân của bé. Các cơ ở cổ của trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn toàn phát triển, đồng thời phần đầu của trẻ cũng rất nặng (và chúng cứ không ngừng lúc lắc!). Vậy nên khi bạn muốn bồng bé lên hay đặt bé vào nôi hay bế bé đi đâu đó, hãy cùng lúc giữ lấy cả phần đầu và phần thân của bé bằng cả hai tay – ít nhất phải đảm bảo tư thế ẵm bồng đúng cách trong 3 tháng đầu tiên cho đến khi đứa trẻ có đủ khả năng tự cố định phần đầu của mình.

Đó là tất cả những điều cơ bản bạn cần biết. Tuy nhiên, quyển sách Dads Adventure lại miêu tả chi tiết rất nhiều tư thế bế trẻ sơ sinh “phù hợp nhất với nam giới” (nhưng cũng hữu dụng cho nữ giới):

  • Ẵm bé sao cho phần ngực của bé áp vào lồng ngực của bạn và phần đầu của bé tựa vào vai bạn. [Chú ý vẫn phải đỡ lấy phần đầu của bé.] Tư thế này rất tốt cho việc tiêu hóa, và đứa trẻ cũng sẽ rất thích vì chúng có thể nhìn ngắm mọi vật qua bờ vai của bạn.
  • Đặt đứa bé ngồi vào lòng bạn sao cho phần lưng của bé tựa vào người bạn, đồng thời vòng tay đỡ lấy phần ngực của bé. Sau đó nhẹ nhàng đung đưa. Nếu như bạn có ghế bập bênh, mọi việc lại càng dễ dàng hơn.
  • Tư thế ẵm bằng cẳng tay thường dùng để dỗ dành một đứa trẻ đang khóc. Gập một bên cánh tay của bạn lại và đặt đứa trẻ nằm sấp lên đó, để phần bụng của bé dọc theo cẳng tay còn phần đầu của bé thì tựa vào lòng bàn tay đang mở rộng, đồng thời để hai chân bé dang ra hai bên cẳng tay của bạn. Đưa cả cánh tay này sát vào người bạn để đảm bảo an toàn, sau đó vuốt hoặc vỗ nhẹ lưng của bé bằng tay còn lại.
  • Đặt bé nằm sấp vắt ngang qua đầu gối cũng là cách để dỗ dành một đứa trẻ đang khóc. Kết hợp với vuốt hoặc vỗ nhẹ phần lưng của bé. Tư thế hoàn hảo nhất là đặt đứa bé ngang qua ngực bạn để bé đi vào giấc ngủ trong khi vẫn nghe và cảm nhận được nhịp tim của bạn.

Sẽ tốt hơn nếu như bạn và bé có nhiều tiếp xúc da kề da, điều này sẽ giúp cho mối liên kết của cả hai thêm bền chặt.

2. Cách cho bé bú sữa mẹ hoặc cho bé bú bình

Trong những tháng đầu, mọi bậc phụ huynh đều có chung một nỗi lo nghĩ về miếng ăn (và giấc ngủ – sẽ được đề cập dưới đây), mà cụ thể là cách thức cho bé bú. Bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ? Hay bạn đang cho con bú sữa bằng bình? Liệu đứa trẻ đã đủ no chưa? Trẻ sơ sinh thường sẽ đòi bú mỗi 2-3 giờ; những đứa trẻ lớn hơn một chút thì mỗi cử cách nhau 3-4 giờ đồng hồ. Để vượt qua thời kỳ này – còn gọi là giai đoạn cho ăn theo nhu cầu – bạn cần phải có một chiến lược.

Làm thế nào để việc nuôi con bằng sữa mẹ trở nên thoải mái hơn: Nếu như bạn đang cho con bú, tư thế đỡ đứa bé có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, hoặc là suôn sẻ thoải mái, hoặc là vụng về lóng ngóng. Ở bệnh viện, các y tá sẽ hỗ trợ bạn những bước đầu tiên khi cho con bú, nhưng đừng khẩn trương nếu bạn dành nhiều thời gian để thử một loạt các tư thế khác nhau rồi lại chẳng có tư thế nào đúng, hãy tiếp tục cho đến khi bạn tìm được cách tốt nhất để đảm bảo bạn đang cho con bú hiệu quả và đứa trẻ bám vào ngực mẹ ở vị trí phù hợp. La Leche League gợi ý 5 tư thế nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, đồng thời chia sẻ một vài bí quyết giúp mẹ bầu đảm bảo đứa trẻ của mình bám ti một cách tốt nhất.

Các tiêu chuẩn để đánh giá một đứa trẻ có bám ti tốt hay không bao gồm:

  • Mũi của bé phải ở vị trí gần như có thể chạm vào ngực bạn, khoảng cách đó không xa hơn bề dày của cạnh bên thẻ tín dụng mà bạn thường dùng, môi của bé phải phủ lên bầu vú mẹ ít nhất là ½ inch (khoảng 1.27cm), sao cho cả quầng vú của mẹ nằm trong miệng bé.
  • Nếu bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu, và đứa trẻ dường như chẳng nhận được miếng sữa nào thì chắc chắn rằng đã phát sinh điều gì đó không đúng, lúc này hãy nhẹ nhàng đặt ngón tay bạn vào giữa hai nướu răng của bé để tách bé ra và thử lại một lần nữa.
  • Khi bạn đưa bầu ngực đến gần, đứa trẻ sẽ chỉ mút mà không nuốt, đồng thời bé sẽ xác định vị trí đầu ti của mẹ trong miệng mình như một cách để thông báo rằng mình đã sẵn sàng nhận sữa. Khi bé bắt đầu bú sữa, bạn sẽ nhìn thấy chuyển động từ quai hàm cho đến sau mang tai và cả vùng thái dương của bé. Bạn cũng sẽ nghe thấy tiếng bé nuốt sữa, ban đầu thì dồn dập, sau đó thì chậm dần, điều này cho thấy cơn khát của bé đã được thỏa mãn.

Bạn sẽ phải giữ nguyên tư thế này trong mỗi cử cho bú kéo dài từ 20 đến 30 phút, vậy nên hãy đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái (có thể cầm trên tay một quyển sách hay một trò chơi tiêu khiển nào đó.) Sử dụng một cái gối cho con bú hoặc một cái gối ôm thông thường có thể giúp bạn thoải mái hơn khi đỡ đứa bé trên đùi. Đôi khi bạn phải thức giấc và buộc phải rời khỏi giường cho cử bú đêm của bé, chiếc gối này có thể giúp bạn học cách cho bé bú trong khi nằm nghiêng một bên. Khoảng thời gian đầu, việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm cho bạn nản lòng, tuy nhiên nếu được trang bị kiến thức đầy đủ và hợp lý thì đây chắc chắn không phải là vấn đề, dần dà bạn sẽ thấy quá trình cho con bú diễn ra dễ dàng hơn rất nhiều.

Làm thế nào để cho con bú bình: Khi cho con bú sữa bằng bình, bạn cũng mong muốn đảm bảo cho bé có được tư thế thoải mái nhất. Hãy nghiêng bình sữa khoảng 45o, hoặc ít nhất cho đến khi phần núm vú của bình chứa đầy sữa mẹ hay sữa công thức, tránh để cho bé nuốt phải không khí, gây đầy bụng. Cũng tương tự như khi cho con bú bằng sữa mẹ, bạn có thể sử dụng một vài tư thế khác nhau trong quá trình cho con bú bình.

Trước khi em bé chào đời, bạn cũng có thể muốn khử trùng toàn bộ chai bình, ống và từng bộ phận theo như sách hướng dẫn, nhưng mà sau đó bạn chỉ cần rửa những thứ này bằng xà bông và nước ẩm là được.

3. Mẹo đưa bé vào giấc ngủ (cho bạn thêm thời gian nghỉ ngơi)

Có lẽ kỹ năng quan trọng nhất là làm cách nào để cho cả mẹ và bé đều đi vào giấc ngủ dựa trên nhu cầu cá nhân của mỗi người. Bạn có thể đã quen với việc ngủ thẳng giấc 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm, nhưng khi đứa trẻ chào đời, mọi việc thay đổi và bạn chắc chắn sẽ bị sốc nặng.

Trẻ sơ sinh thường sẽ thức giấc đòi bú mỗi 2-3 giờ đồng hồ, vì vậy cả hai vợ chồng nên chia ca để cùng nhau thực hiện việc này, ví dụ, người bố thức và mang đứa con đến chỗ mẹ trong 2 hay 3 cử bú, sau đó mẹ sẽ là người thức canh cho 2 hoặc 3 cử bú tiếp theo trong khi bố thì nghỉ ngơi. Ít nhất đây cũng là một ý tưởng khả thi.

Làm thế nào quấn khăn cho con: Quấn trẻ trong khăn là phương pháp tuyệt vời nhất để trấn an và làm dịu bé con của bạn khi chúng quấy khóc, không ngủ được hoặc đang khó chịu – bởi vì trẻ lúc nào cũng muốn được bao bọc và thường sẽ không thể ngủ được nếu như không được ôm ấp vỗ về. Quấn khăn sẽ làm cho bé có cảm giác an toàn như đang ở trong bụng mẹ, vì vậy hãy quấn khăn quanh con thật chặt hết mức có thể.

Nếu như bạn quấn khăn quá lỏng lẻo hoặc không đúng cách, bạn sẽ làm cho bé không thoải mái. (Tôi từng quấn khăn cho con gái mình rộng thùng thình, cố gắng tạo cho con một cái túi ngủ thoải mái nhưng cuối cùng nó lại trở thành thảm họa – tay và chân con bé nhỏ xíu nhưng vun loạn xạ cả lên, trông có vẻ rất hung dữ.) Tham khảo đoạn video bên trên để biết các thao tác quấn khăn cho bé sao cho đúng cách. Đảm bảo rằng bạn có đủ khăn để sử dụng cho bé nhiều lần.

4. Làm sao giữ vệ sinh cho cả đứa bé và bản thân bạn

Thường thì trẻ sơ sinh lúc nào cũng được tắm rửa sạch sẽ, có điều các bé rất dễ bị trầy xước do chính móng tay sắc nhọn của mình, hoặc bị phát ban tã và thỉnh thoảng sẽ đi ngoài một bãi to. Bé cũng có thể phun nước bọt rồi đôi khi nôn ụa mọi thứ vào bạn. Bạn thật sự không thể làm gì trong tình huống này nhưng hãy chuẩn bị tinh thần cho trường hợp tệ nhất.

Làm thế nào để tắm cho con: Trong khoảng 2 tuần đầu, bạn sẽ là người bảo hộ dây rốn cho con. Dây rốn không thể để bị ướt, vậy nên những ngày này bạn sẽ phải tắm cho con bằng cách đặt bé vào bồn tắm hay chậu rửa rồi dùng bong tắm bọt biển hoặc khăn mềm nhẹ nhàng lau người bé cho đến khi rụng dây rốn (khoảng từ 1 – 4 tuần), hoặc cho đến khi lành vết thương nếu bé đã được cắt bao quy đầu (tối đa là 4 tuần).

Làm thế nào để thay tã cho con: Thay tã cũng không phải là một kỹ năng quá cao siêu hay phức tạp, nhưng bạn cần phải có sự chuẩn bị nếu không muốn vô tình bị dính chất thải của bé. Bạn có lẽ sẽ cần kiểm tra và thay tã cho con tại 3 thời điểm: sau mỗi lần cho bú, khi bé ngủ dậy và trước khi đưa bé ra ngoài cùng bạn. Lập tức thay tã cho con ngay khi có thể sau mỗi một nhu động ruột.

Dưới đây là video hướng dẫn cách để bảo vệ bạn và bé cưng khi thay tã: Đặt một cái tã mới bên dưới cái tã đang bọc lấy bé, sau đó rút tã dơ ra và nhanh chóng bọc tã sạch lại để tránh tình trạng nước tiểu phun hay tràn ra ngoài.

Ngoài ra, để chai lọ và những thứ khác tránh xa khu vực thay tã, đồng thời sử dụng kệ hay khay đệm thay tã để ngăn không cho bé con lăn ra khỏi bàn – chuyện này hoàn toàn có khả năng xảy ra!

Làm thế nào để dọn dẹp chất thải do con phun nhổ, nôn mửa và đi ngoài: Bạn lần đầu có con, hãy tập quen dần với những điều này. Một bãi phân đầy ra tã và tràn lên cả lưng bé là một phần không thể thiếu khi bước đầu đặt chân vào con đường làm cha làm mẹ. Trừ khi là bạn nhìn thấy máu trong phân, còn nếu không tình trạng bé đi ngoài nhiều như vậy là chuyện hết sức bình thường.

Nếu bạn muốn xử lý vết nôn ói của bé trên giường, sử dụng giấm là giải pháp tốt nhất, theo như First Choice Carpet Cleaners. Đối với những nơi dính phân, bạn có thể sử dụng phương pháp ngâm trong nước nóng cùng với Oxi-clean và/hoặc xử lý chúng dưới ánh mặt trời. Còn không thì chỉ cần giặt như bình thường là được.

5. Kỹ năng sống còn: Biết rõ con bạn muốn và cần gì

Dùng toàn bộ khoảng thời gian mấy tháng đầu để tìm hiểu về bé con của bạn.

Làm thế nào để ‘đọc vị’ lý do trẻ quấy khóc: Như bạn biết đấy, tiếng khóc là phương cách giao tiếp của trẻ sơ sinh. Đôi khi, đứa bé sẽ khóc ầm lên chẳng vì lý do nào và bạn dường như cũng không nhìn thấy bất thường nào, tuy nhiên, để hiểu bé rõ hơn – và quan trọng là dập tắt cơn kêu la này – hãy bắt đầu nghĩ từ những điều cơ bản: Có phải con đói hay không? Hay con cần được thay tã? Liệu con có cảm thấy quá nóng hay quá lạnh? Hay là cần ngủ trưa? Hoặc có lẽ con chỉ muốn được bạn vỗ về? Quá nhiều nguyên do, và bạn có thể thu hẹp phạm vi bằng cách liệt kê một bản ghi chú về thời gian ăn và ngủ trong ngày của bé. Nếu như con bạn đau bụng, áp dụng quy tắc 5S của bác sĩ Karp: quấn khăn cho bé (swaddle), đặt bé nằm nghiêng hoặc sấp (side/stomach), tạo những âm thanh dễ chịu (shushing sounds), cho bé sự chuyển động nhẹ nhàng (swinging) và một cái gì đó để ngậm mút (suck on) (Tôi có một quả bóng to dùng cho việc tập thể dục, mỗi lần tôi bế con gái ngồi lên đó, do tính chất đàn hồi tôi có thể dựa vào đó và chuyển động lên xuống, kỳ diệu là lần nào tôi cũng thành công dỗ con nín khóc.)

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là khi bé con bị quá khích hoặc quá mức mệt mỏi, nhưng người chăm sóc lại cho rằng tiếng khóc của bé mang ý nghĩa như “bé muốn được chơi đùa và trò chuyện thật náo nhiệt.” Bạn sẽ là người biết rõ mọi ngôn ngữ cơ thể của bé hơn bất kỳ ai, vậy nên đừng e ngại gửi bé vào nhà trẻ mỗi khi bạn cần nghỉ ngơi hoặc cần khoảng thời gian yên tĩnh. Hãy chợp mắt khi con bạn đi vào giấc ngủ!

Phương pháp cho những đứa trẻ đầy hơi hoặc quấy khóc: Trẻ sơ sinh có thể nuốt phải nhiều không khí khi bú, điều này có thể dẫn đến sự đầy hơi và làm cho trẻ khó chịu đến mức khóc ré lên. Đó là lý do vì sao mà nhiều người khuyên rằng nên để cho bé ợ hơi khi chuyển sang cho bú ở phần ngực còn lại, hoặc sau 2 – 3 ngụm sữa. Bạn có thể giúp bé bằng cách đặt phần bụng bé nằm sấp trên đùi bạn trong khi dùng tay vỗ nhẹ phần lưng, hoặc bế bé quay vào phía ngực bạn còn cằm của bé thì tựa lên vai bạn. Ngoài ra còn có một phương pháp yoga dành cho trẻ sơ sinh hỗ trợ bé tống khí ra ngoài.

Cách tiến hành CPR (hồi sức tim phổi) cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Có một phương pháp hô hấp Lamaze tốt hoặc tham gia vào lớp học dành cho cha mẹ sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về kỹ năng cấp cứu CPR. Dĩ nhiên thực hành thực tế trên một con búp bê sẽ giúp bạn nắm vững kiến thức hơn, nhưng bạn cũng nên tham khảo đoạn video dưới đây – hướng dẫn một cách chi tiết về cách tiến hành CPR cho trẻ sơ sinh theo nguyên tắc C-A-B-D mới nhất.

Biết cách thư giãn và nghỉ ngơi đúng lúc: Cuối cùng, việc chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh có thể khiến cho bạn rất áp lực. Nếu đến một thời điểm nào đó mà bạn cảm thấy tâm trí mình rối bời và sắp phát điên lên rồi thì bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ từ mọi người. Đừng e ngại mà hãy đặt bé con trở lại giường – ngay cả khi bé đang quấy khóc mà bạn chẳng thể nào dỗ dành được – rồi đi loanh quanh đâu đó một vài phút để thư giãn tinh thần và lấy lại bình tĩnh. Vào thời điểm này, bạn nên học cách chăm sóc bản thân mình thật tốt, đây cũng là một kỹ năng cực kỳ quan trọng.

Chúc mừng nhé! Những ông bố bà mẹ sắp đón chào một thành viên mới. Giờ thì bạn có thể yên tâm vượt qua trại huấn luyện đầy cam go này với một tâm thế vững vàng.

Nguồn: https://lifehacker.com/baby-boot-camp-the-skills-every-new-parent-needs-to-le-1709234325

Di chuyển lên đầu