• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU MÃN TÍNH

Phó giáo sư Yoong Chee Seng là Cố vấn cấp cao, Chuyên gia gây mê và đồng thời là Giám đốc Chuyên khoa chữa trị các cơn đau mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa Changi. Ông sẽ đưa ra những lý giải giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các cơn đau kinh niên cũng như các phương pháp điều trị tình trạng này.


Các cơn đau mạn tính thường gặp có thể kể đến như đau lưng dưới kinh niên, đau do viêm xương khớp hoặc
ung thư và nhiều cơn đau dây thần kinh khác nhau.

Đau dây thần kinh và đau dây thần kinh do tiểu đường là hai trong số những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các cơn đau mạn tính. Vậy hai bệnh lý này có gì khác biệt? Liệu có cách để điều trị không? Cùng đi tìm câu trả lời qua những chia sẻ từ Phó Giáo sư Yoong Chee Seng – Cố vấn cấp cao, Chuyên gia gây mê và Giám đốc Chuyên khoa chữa trị các cơn đau mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa Changi (CGH), trực thuộc tập đoàn SingHealth.

Bạn có biết những cơn đau thông thường sẽ mang đến cảm giác như thế nào? Đó có thể là một cơn đau thoáng qua rất nhanh khi bạn bị đứt tay, hay có cảm giác nhói nhói khi bạn đau đầu, hoặc là đau đến mức rụng rời khi bạn chạm vào vết bầm tím trên người. Song tất cả những ví dụ trên chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian rất ngắn. Mặc dù trong một vài trường hợp, đặc biệt là khi cơn đau cấp tính phát sinh từ sau chấn thương hoặc đại phẫu thì tình trạng có thể nghiêm trọng hơn, nhưng thường sẽ thuyên giảm theo thời gian và dần khỏi hẳn.

Cơn đau đeo bám dai dẳng trong suốt quá trình lành mô thông thường, hoặc kéo dài hơn 3 tháng thì được xem như là mạn tính. Các tình trạng thường gặp nhất bao gồm đau lưng dưới kinh niên, đau do viêm xương khớp hoặc ung thư, và một loạt các vấn đề đau dây thần kinh khác nhau.

Những người mắc hội chứng đau kinh niên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Một nghiên cứu với chuyên đề đau mạn tính đã đưa ra những số liệu cho thấy, có khoảng 2/3 số bệnh nhân gặp các vấn đề về giấc ngủ, trong khi đó một tỷ lệ khoảng 50% người nói rằng họ gặp khó khăn khi làm các công việc nhà bình thường. Mặt khác, gần 1/5 người bệnh thú nhận rằng các mối quan hệ gia đình và bạn bè của họ bị ảnh hưởng chỉ vì những cơn đau dai dẳng này.

Đối mặt với những cơn đau kéo dài như vậy, phản ứng đầu tiên của mỗi người thường là sợ hãi. Trong một vài trường hợp, hiệu quả điều trị không khả quan làm cho người bệnh lâm vào trạng thái lo lắng, suy sụp, giận dữ và rất dễ kích động.

Đau dây thần kinh (Đau thần kinh)

Đau thần kinh (thường được biết đến dưới tên gọi đau dây thần kinh) là một dạng đau mạn tính, nguyên nhân do dây thần kinh bị thương tổn hoặc hệ thần kinh bị rối loạn chức năng. Khi tồn tại tổn thương trong dây thần kinh, người bệnh có thể sẽ phát sinh những cảm giác bất thường (như tê ngứa), cảm giác đau đớn (đau rát hoặc nhói như bị dao đâm), hoặc là sẽ chẳng có cảm giác gì cả (tình trạng tê liệt).

Đau dây thần kinh còn có thể gợi một cảm giác như bị điện giật, đau hoặc nhói một cách đột ngột, tùy vào từng trường hợp và tình trạng bệnh cụ thể. Đau có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm tiểu đường, bệnh zona, ung thư, HIV, chấn thương dây thần kinh và đột quỵ.

Đau thần kinh là một bệnh lý cực kỳ khó trị, nguyên nhân là bởi vì cơn đau có những triệu chứng mang tính chất chủ quan và khó nhận diện được. Không có một xét nghiệm cụ thể nào có thể sử dụng để phát hiện hoặc đo lường cơn đau. Thông thường, các bác sĩ phải phụ thuộc rất nhiều vào mô tả của bệnh nhân.

Đau thần kinh có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trên phương diện tâm lý và xã hội. Một người luôn bị những cơn đau dây thần kinh đeo bám dai dẳng có thể làm cho họ cảm thấy bản thân mình mất đi khả năng kiểm soát cuộc sống. Tương tự, cả cơ hội tận hưởng cuộc sống, hay duy trì các mối quan hệ, làm tròn trách nhiệm của một người chồng/vợ hay cha/mẹ, hoặc là mong muốn làm việc thật tốt, tất cả đều bị tước đoạt.

Đau dây thần kinh do tiểu đường

Còn được gọi là đau thần kinh do tiểu đường, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các cơn đau mạn tính. Bệnh lý này là hệ quả từ những tổn thương thần kinh do tồn tại lượng đường huyết quá cao trong một khoảng thời gian dài.

Người bệnh mắc phải chứng đau thần kinh do tiểu đường cũng thường trải qua những đau đớn gây ra bởi bệnh thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể như tay và chân), cụ thể là cảm giác đau rát, đau như bị kim châm hoặc đau nhói. Điều này sẽ làm cho các cơ bị yếu và mất đi độ đàn hồi, do đó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến thăng bằng và đi lại. Gần như là, cứ 5 bệnh nhân tiểu đường thì sẽ có 1 người mắc phải chứng đau dây thần kinh, và tỷ lệ này đang không ngừng tăng lên khi mà số người bị bệnh tiểu đường không có dấu hiệu suy giảm.

David (tên bệnh nhân đã được thay đổi), 46 tuổi, là một quản trị viên ngành Logistics. Cách đây 12 năm, ông được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường typ 2. Nhưng mãi cho đến gần đây, ông mới được bác sĩ chăm sóc chính chuyển đến phòng khám chuyên khoa thần kinh để khám và điều trị cho cơn đau ở bàn chân.

Ông đã từng trải qua cảm giác đau nhói trên những đầu ngón chân, sau đó thì bàn chân hoàn toàn tê liệt và ông đã không thể nào duy trì tư thế thăng bằng khi bước trên những đoạn đường gồ ghề hay không bằng phẳng. Kể từ lúc này, cảm giác tê liệt dần di chuyển đến giữa phần cẳng chân. Cuối cùng cơn đau đã chạm đến giới hạn khi mà mỗi lúc đi lại, ông đều có cảm giác như bước đi bằng chân trần trên những mảnh thủy tinh đã vỡ. Ban đêm, ông lại cảm thấy đau rát bàn chân mỗi khi nằm xuống, đồng thời những cơn đau nhói lại tiếp tục truyền đến trên từng đầu ngón chân và lan ra cả phần cẳng chân. Ông đánh giá cơn đau của mình vào mức độ 8/10.

David cho rằng ông có thể chịu đựng được, vì thế ông đã không đề cập những triệu chứng này cho bác sĩ của mình sớm hơn. Mặc dù khả năng di chuyển bị hạn chế nhưng ông nhìn chẳng khác gì những người đàn ông khỏe mạnh khác. Cho nên cũng rất khó để kết luận, liệu rằng David, hay những người đang phải gánh chịu đau đớn kinh niên có thật sự thống khổ nhiều như vậy hay không.

Nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh

Đau dây thần kinh có thể là do tồn tại tổn thương trong các dây thần kinh có nhiệm vụ cảm nhận và dẫn truyền tín hiệu đau, hoặc tồn tại tổn thương trong các bộ phận thuộc hệ thần kinh có nhiệm vụ dẫn truyền và nhận diện tín hiệu đau (ví dụ như tủy sống và não, hoặc hệ thần kinh trung ương).

Một số tình trạng bệnh có thể gây tổn thương thần kinh bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Viêm
  • Tiểu đường
  • Trượt đĩa đệm
  • Đột quỵ
  • U ác tính
  • Hoạt động xương khớp quá nhiều
  • Phẫu thuật

Phương pháp điều trị đau dây thần kinh

Bắt đầu từ việc chia sẻ và nhờ giúp đỡ. Nếu bạn nghi ngờ bản thân đang bị đau thần kinh, hãy thiết lập một cuộc hẹn với bác sĩ. Cố gắng mô tả thật chi tiết cơn đau mà bạn cảm nhận được đồng thời xác định vị trí cơ thể bị ảnh hưởng. Người bệnh cũng có thể ghi chép vào nhật ký để theo dõi thời điểm và thời gian bộc phát cơn đau.

Nếu bị tiểu đường, bạn nên kiểm tra mỗi năm xem có mắc bệnh thần kinh ngoại biên ở bàn chân hay không. Một gói khám toàn diện sẽ bao gồm các kiểm tra về da, cơ, xương, sự lưu thông của máu và cảm giác ở chân (điều này rất quan trọng vì mất đi cảm giác đồng nghĩa với nguy cơ cao phát triển các cơn đau chân và nhiều vấn đề liên quan khác.)

Đau dây thần kinh không phải là một cơn đau phổ biến, nên những loại thuốc giảm đau thông thường sẽ không có tác dụng trong việc điều trị. Nếu hiện tại, bạn đang sử dụng thuốc theo toa nhưng không mang lại hiệu quả, hãy bày tỏ điều đó với bác sĩ và xem xét lựa chọn một phương thức khác, bao gồm việc điều chỉnh cả về liều lượng thuốc và kế hoạch kiểm soát cơn đau. Quan trọng là phải để bệnh nhân hiểu được rằng, với mỗi một phương pháp điều trị hợp lý thì sự đau đớn có thể thuyên giảm và họ sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Bác sĩ có thể sử dụng đa dạng các phương pháp điều trị để hỗ trợ giảm đau, bao gồm:

  • Điều trị cục bộ (bôi kem, gel hoặc dùng băng dính) có chứa capsaicin – chất gây vô cảm cục bộ
  • Dùng thuốc chống suy nhược, chống co giật hoặc thuốc giảm đau nhóm opioids (chỉ dành riêng cho một số ít bệnh nhân do loại thuốc này tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng)
  • Các liệu pháp vật lý nhằm cải thiện sức bền, độ đàn hồi và độ cân bằng của cơ hoặc tăng cường sức khỏe thể chất
  • Các liệu pháp tâm lý nhằm nâng cao khả năng tự kiểm soát cơn đau cũng như những vấn đề liên quan khác, đồng thời hỗ trợ tiêu giảm các cảm xúc căng thẳng tiêu cực
  • Tiêm thuốc và phẫu thuật
  • Châm cứu, thuốc và các phương pháp điều trị truyền thống khác

Những thắc mắc thường gặp xoay quanh bệnh lý đau dây thần kinh

Làm thế nào để xác định cơn đau mạn tính?

Bác sĩ sẽ cố gắng nhận diện nguyên do gây đau bằng cách yêu cầu bạn mô tả các triệu chứng một cách chi tiết nhất. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành bài kiểm tra thể chất và cũng có thể đề nghị tiến hành các xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán, chẳng hạn như xét nghiệm máu, nghiên cứu sự dẫn truyền thần kinh và các hình ảnh chụp được (Xquang, CT hoặc MRI), hay thậm chí là sinh thiết mô.

Không có một kết quả xét nghiệm nào có thể nhận diện chính xác cơn đau có thực sự tồn tại hay không, nhưng lại có thể gợi ý nguyên do. Đáng tiếc là, không giống như cơn đau cấp tính, việc xác định nguyên nhân gây đau mạn tính thỉnh thoảng sẽ rất khó khăn. Trong trường hợp này, bác sĩ có lẽ chỉ xác định rằng cơn đau của bạn không phải gây ra bởi bệnh lý nghiêm trọng đe dọa tính mạng, hay một bệnh lý nào đó đòi hỏi phải phẫu thuật hoặc điều trị ngay.

Nhiều bệnh nhân thường không biết phải diễn tả cơn đau của họ như thế nào. Sự khác biệt về thể chất, sinh lý, trải nghiệm, và hàng loạt các yếu tố kinh tế xã hội có thể ảnh hưởng đến cách nhận thức cơn đau của mỗi cá nhân. Do đó, không có nhiều khả năng mà một nguyên do lại có thể gây ra cùng một cảm giác đau đớn ở hai người khác nhau. Hiện đã có sẵn rất nhiều công cụ hỗ trợ đo lường mức độ cơn đau mạn tính, từ những thang đo đánh giá đơn giản cho đến các công cụ khảo sát cơn đau chi tiết và “đa chiều” – đặc biệt hữu ích cho các chuyên đề nghiên cứu.

Thực tế cũng chẳng có ý nghĩa gì trong việc cố gắng xác định xem bản thân bệnh nhân có thực sự đau hay không. Trừ khi có người cố ý dựng lên và khai báo triệu chứng giả với bác sĩ, còn không thì mọi cơn đau đều thật sự tồn tại.

Làm thế nào để bệnh nhân có thể mô tả triệu chứng của họ để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác và kê đơn hợp lý?

Chỉ có bạn mới có thể cảm nhận được cơn đau, đó là lý do vì sao bạn nên tập trung chú ý và cố gắng mô tả chính xác nhất có thể. Sử dụng mọi ngôn từ phù hợp để có thể phác họa tổng thể cơn đau của bạn cho bác sĩ, một số từ dùng để miêu tả cơn đau mà bạn có thể xem xét như: đau rát, đau như kiến bò, đau như điện giật, đau nhẹ và thoáng qua, đau ớn lạnh.

Liệu còn công cụ nào khác có thể hỗ trợ bệnh nhân mô tả chính xác cơn đau của họ?

Sử dụng một cuốn nhật ký để ghi chép mọi thời điểm mà bạn cảm nhận được cơn đau. Điều này sẽ hỗ trợ bác sĩ xác định xem bạn đang mắc phải đau đớn như thế nào, đồng thời giúp cho bạn và bác sĩ cùng nhau tìm ra nguyên nhân khiến cho tình trạng xấu đi hoặc tìm cách để thuyên giảm cơn đau. Hãy ghi nhận:

  • Thời điểm bạn cảm thấy đau
  • Đau ở mức độ nào, sử dụng thang đo từ 0-10
  • Bạn cảm thấy đau như thế nào (xem cách mô tả cơn đau ở bên trái)
  • Yếu tố nào giúp giảm cơn đau
  • Yếu tố nào làm cơn đau trầm trọng thêm
  • Cơn đau có gây trở ngại cho giấc ngủ của bạn không

Làm thế nào để các thành viên trong gia đình có thể chăm sóc và hỗ trợ cho người thân đang phải gánh chịu cơn đau kinh niên?

Một người thân của bạn đang mắc bệnh đau kinh niên, chăm sóc cho họ là một việc rất khó khăn, nhìn thấy họ đau đớn cũng khiến bạn đau lòng theo. Điều quan trọng nhất là phải mang đến cho họ sự thoải mái khi cơn đau đặc biệt nghiêm trọng, cũng như là thường xuyên khích lệ động viên họ tìm kiếm và tiếp nhận các phương pháp điều trị tốt nhất.

Nguồn: Healthxchange Singapore

Di chuyển lên đầu