• Device: 090 938 1187
  • Service: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

HƯỚNG DẪN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CHA TƯƠNG LAI: LÀM SAO ĐỂ TRỞ THÀNH CHỖ DỰA VỮNG CHẮC CHO VỢ TRONG SUỐT THAI KỲ

Mang thai là một hành trình đầy thử thách đối với những ai sắp sửa làm mẹ. Tuy nhiên, quá trình này có thể trở nên dễ dàng hơn nếu các mẹ được tiếp thêm sức mạnh từ ông xã của mình.

Quả thật, sự hỗ trợ của chồng có thể phần nào giúp vợ xóa tan cảm giác lo lắng khi mang thai. Nội tiết tố biến chuyển, tính khí thất thường và hàng loạt những thay đổi thể chất, bạn sẽ cần đến ông xã như một chỗ dựa chắc chắn cho suốt hành trình này.

Suy cho cùng, khi vợ chồng hỗ trợ lẫn nhau thì không chỉ mối quan hệ hôn nhân được củng cố, mà cả hai bạn còn có thể cùng nhau “lắng nghe” bé con của mình trong khoảng thời gian 9 tháng. Dù rằng đó là kết tinh tình yêu của hai người nhưng cả ba và mẹ đều sẽ có những trách nhiệm riêng. Tỷ như, mẹ thì mang thai con, còn ba thì mang cả mẹ và con vượt qua giai đoạn gian nan này.

Tại sao phụ nữ cần đến sự hỗ trợ từ chồng trong suốt thời gian mang thai?

Mang thai, nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của con khi mà đứa bé đang ở trong bụng mình, tuy vậy, anh xã cũng có thể cùng bạn chia sẻ trách nhiệm này theo cách riêng của anh ấy.

Ông xã sẽ đảm đương nhiều vai trò, từ việc chăm sóc sức khỏe cho bạn, dành thời gian ở bên bạn cho đến việc đưa bạn đi gặp bác sĩ. Những điều tưởng như nhỏ nhặt, nhưng bằng cách này, chồng có thể góp phần giúp vợ có một thai kỳ khỏe mạnh và vui vẻ.

Vì vậy, nếu là vợ, hãy chuyển ngay bài đăng này đến với các ông chồng của mình, vì họ cần phải nắm rõ những điều này! Nếu là chồng, hãy nghiêm túc lắng nghe và ghi chú lại! Đây là một hướng dẫn cần thiết cho những người cha trong tương lai.

1. Tìm hiểu về thai kỳ

Gợi ý đầu tiên của chúng tôi là đọc và nghiên cứu.

Nếu bạn có ý định có con hoặc vợ bạn đã mang thai rồi, thì bạn nên bắt đầu tìm hiểu về thai kỳ ngay từ lúc này. Hãy tham khảo mọi trường hợp có thể xuất hiện trong từng tam cá nguyệt.

Ví dụ, bạn có thể không ngờ rằng phụ nữ mang thai thường cảm thấy mệt mỏi ở giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Tuy nhiên, họ lại đặc biệt tràn đầy năng lượng trong 3 tháng giữa thai kỳ.

Trang bị càng nhiều kiến thức càng tốt, bạn có thể giúp vợ đưa ra nhiều quyết định sáng suốt cho các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như việc xét nghiệm tiền sản.

2. Chuẩn bị sẵn tâm lý là vợ mình sẽ thay đổi

Mang thai không chỉ khiến thể chất người phụ nữ thay đổi, mà còn biến cô ấy thành một “chiếc tàu lượn siêu tốc”, khi cảm xúc cứ lên xuống thất thường. Cô ấy sẽ không còn như trước nữa. Bạn sẽ cảm thấy vợ mình như biến thành một người khác vậy, đặc biệt khi đó lại là thai kỳ đầu tiên của cô ấy.

Nếu cô ấy tỏ vẻ không muốn ăn những món bạn nấu, hoặc là đột nhiên không muốn đến những nơi mà trước đây cô ấy rất thích nữa, thì điều duy nhất bạn có thể làm lúc này là thông cảm với vợ mình. Nếu bà xã muốn chợp mắt mà vẫn chưa đến giấc, hãy cứ để cô ấy được ngủ. Đây là thời gian để vợ có thể nghỉ ngơi và hồi phục năng lượng.

Mang thai có thể là một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm đối với phụ nữ. Lúc này, cô ấy sẽ cần đến sự ủng hộ và tình yêu thương của chồng hơn bao giờ hết.

3. Cho cô ấy thời gian để nghỉ ngơi

Một nghiên cứu được báo cáo gần đây đã khẳng định: nữ giới cần ngủ nhiều hơn nam giới. Theo đó, phụ nữ đảm nhiệm nhiều vai trò, vì vậy họ tiêu thụ năng lượng ở não nhiều hơn so với đàn ông. Nếu đây là sự thật thì thử nghĩ xem một người phụ nữ khi mang thai sẽ còn cần phải nghỉ ngơi nhiều như thế nào nữa.

Vậy nên, hãy để cho người phụ nữ của bạn được ngủ bất cứ khi nào cô ấy muốn. Bởi vì khi đứa trẻ ngày càng phát triển, sức lực của cô ấy sẽ ngày càng suy yếu, đặc biệt trong suốt 3 tháng đầu và cuối thai kỳ, nên cô ấy cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu có thể, hãy chia sẻ công việc nhà cùng vợ.

4. Cô ấy có lúc sẽ thèm ăn, có khi lại không muốn ăn

Bạn cần phải hiểu một điều rằng: Vợ của bạn có thể sẽ thèm ăn mà cũng có thể sinh cảm giác chán ăn. Vì vậy, đừng quá ngạc nhiên khi mà trước đây cô ấy cực thích ăn gà nướng, bây giờ đột nhiên lại không thích nữa.

Nhưng thật ra cô ấy không muốn như vậy. Khi nội tiết thay đổi bất thường, cảm giác thèm ăn và biếng ăn trở thành một vấn đề “thường gặp” trong cuộc sống của cô ấy. Do đó, hãy lưu tâm đến việc lựa chọn thức ăn của vợ mình. Nếu bà xã không muốn ăn một món nào đó thì đừng ép buộc, điều đó có thể khiến cô ấy cảm thấy buồn nôn.

Nếu cô ấy không thể chịu được mùi của một loại thực phẩm nào đó, hãy cẩn thận khi chế biến nấu nướng tại nhà hoặc ăn uống ở trước mặt cô ấy.

5. Lắng nghe và thấu hiểu

Dĩ nhiên, đây là điều bạn nên làm mỗi ngày. Nhưng, nếu có thể, bạn phải đặc biệt quan tâm đến vợ mình trong suốt thời gian cô ấy mang thai. Bởi vì nội tiết tố thay đổi, người phụ nữ có thể trở nên khá nhạy cảm và dễ xúc động. Vậy nên, sự quan tâm chăm sóc của người chồng đối với vợ trong giai đoạn này là quan trọng nhất.

Cô ấy thường có thể cảm thấy bất an. “Liệu con mình có ổn không? Hay có vấn đề gì về sức khỏe không? Mình có sinh thường được không? Mình có thể trở thành một người mẹ tốt hay không?” – Đây là những vấn đề khiến cô ấy băn khoăn và có thể sẽ hỏi bạn. Tất cả đều là những nỗi lo của bà mẹ mới.

Thay vì trả lời qua loa, bạn nên đặt mình vào vị trí của vợ để cảm nhận những lo nghĩ này và tạo cho cô ấy cảm giác an toàn.

Vợ của bạn sẽ cực kỳ phấn khích nếu bạn có thể cùng cô ấy đi mua sắm cho con. Hoặc thỉnh thoảng, áp tai lên bụng và cảm nhận những cú đạp của con. Đi cùng vợ đến các cuộc hẹn với bác sĩ. Tất cả những điều này sẽ giúp cô ấy an tâm vì cô ấy cảm nhận được, chồng lúc nào cũng bên cạnh mình.

6. Cùng nhau đến gặp bác sĩ

Hoặc ít nhất là cố gắng đi cùng cô ấy nhiều nhất có thể. Nếu bạn có khả năng sắp xếp để đi cùng vợ đến mọi cuộc hẹn với bác sĩ thì điều đó tất nhiên sẽ rất tuyệt. Nhưng trong trường hợp không thể, bạn ít nhất cũng nên dành thời gian cho những buổi thăm khám quan trọng. Hãy nghiên cứu xem khi nào là thời điểm trọng yếu. Chẳng hạn, ngày siêu âm tuần thứ 20 để nghe nhịp tim của đứa bé là một sự kiện cần lưu tâm.

Không chỉ dừng lại ở các cuộc hẹn với bác sĩ. bạn cũng nên đi cùng với vợ khi cô ấy cần xét nghiệm máu. Có bạn ở bên cạnh, tinh thần cô ấy sẽ càng thêm phấn chấn, và người vợ cũng cảm nhận được sự yêu thương chăm sóc của chồng dành cho mình.

Điều này còn giúp ích cho sự phát triển của bé con cũng như sức khỏe của vợ bạn. Sau cùng, hỗ trợ vợ khi mang thai không phải chỉ sử dụng những lời lẽ yêu thương đầy chất “ngôn tình”, mà sự quan tâm bạn dành cho vợ và bé con cũng quan trọng không kém.

7. Cùng hoạch định cho tương lai

Bà xã của bạn sẽ phải đương đầu với rất nhiều vấn đề, từ việc chọn tên cho con đến việc chuẩn bị nôi em bé. Và nếu có sự nghiệp của riêng mình, cô ấy còn phải bận tâm về việc chăm sóc cho bé con sau này khi mà cô ấy phải quay trở lại công sở. Do đó, hãy cùng vợ thảo luận và đưa ra quyết định.

Đặc biệt, cô ấy có thể sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của bạn trong những công việc liên quan đến thể lực, chẳng hạn như dựng nôi em bé hoặc di chuyển nội thất xung quanh. Chúng tôi tin chắc bạn cũng muốn sửa soạn, chuẩn bị các thứ cho con thật chu đáo. Đến một thời điểm nào đó, đây lại còn là những kỷ niệm tuyệt vời dành cho hai vợ chồng. Vậy nên hãy cùng nhau tạo nên đoạn ký ức đáng nhớ này.

8. Để cô ấy cảm nhận được sự yêu thương và vỗ về

Người chồng có thể hỗ trợ cho vợ mình trong thời gian mang thai bằng cách yêu thương và chiều chuộng cô ấy. Lên kế hoạch đưa cô ấy ra ngoài xem phim cho một tối hẹn hò đặc biệt. Hoặc bạn có thể sắm cho vợ vài bộ quần áo mới để cô ấy cảm thấy mình thật quyến rũ (ngay cả khi cái bụng đang nhô ra khiến cho mẹ bầu khá là tự ti.)

Còn có rất nhiều việc mà hai bạn có thể làm cùng nhau. Bạn có thể đưa vợ đến những địa điểm massage dành cho bà bầu, hoặc là dành thời gian đến một salon lâu đời uy tín nào đó. Dẫn cô ấy đi mua sắm, và cùng trải qua những việc mà vợ mình thích làm khi ở cùng với hội bạn thân của cô ấy.

Tại thời điểm này, cô ấy cần bạn nhất và cũng muốn ở cùng với bạn nhất. Vì vậy, hãy dành thật nhiều thời gian để ở bên cô ấy.

9. Cùng tham dự các lớp tiền sản

Bên cạnh việc tìm hiểu thai kỳ, bạn cũng có thể cùng vợ tham dự các lớp tiền sản. Hầu hết các lớp học này đều yêu cầu mẹ bầu phải được tháp tùng bởi một trợ lý. Và nếu còn đang lăn tăn về danh tính người trợ lý này, thì không cần phải hoài nghi đâu, người đó chính là bạn.

Những lớp học này không chỉ giúp các bà vợ chuẩn bị cho ngày vượt cạn, mà còn hướng dẫn các ông chồng cách để đương đầu với thời khắc trọng đại này. Sinh nở không chỉ là một trải nghiệm khiến cho mẹ kiệt sức, mà còn làm cho bố phải mệt lừ. Cho nên cả hai bạn đều cần đến sự hỗ trợ.

Các lớp học tiền sản giúp bạn hiểu rõ làm thế nào để vượt cạn đúng cách. Khi bạn đi cùng với vợ, bạn sẽ biết rằng, quan tâm đến vợ, không chỉ lưu ý đến cảm xúc, mà vấn đề thể chất cũng cực kỳ quan trọng.

10. Cùng lên kế hoạch sinh sản

Để hỗ trợ cho vợ trong suốt thời gian mang thai, người chồng cần phải giúp vợ mình lập ra một kế hoạch sinh sản hợp lý. Cùng thảo luận với vợ về cách thức mà bạn muốn con đến thế giới này. Xem xem liệu hai vợ chồng có cùng quan điểm hay không?

Trong trường hợp vợ cần phải sinh mổ khẩn, bạn sẽ phải hỗ trợ cô ấy như thế nào đây? Khi vợ của bạn chuyển sang giai đoạn chuyển dạ (pha tích cực, sẵn sàng cho em bé ra ngoài), cô ấy có thể sẽ không còn hơi sức để nói nữa. Lúc này, bạn phải là người quyết định điều đó thay cho vợ.

Nếu như thực sự phải tiến hành sinh mổ khẩn cấp, bạn cần quyết định và truyền đạt điều đó cho bác sĩ. Do đó, bạn nên tìm hiểu và nghiên cứu trước các kế hoạch sinh nở.

11. Hỗ trợ cô ấy trong giai đoạn chuyển dạ

Hầu hết bệnh viện đều cho phép người chồng đi vào phòng sinh. Và nếu bạn có cơ hội, hãy tận dụng điều đó để giúp cô ấy thư giãn. Sự hỗ trợ từ người chồng thật sự mang lại hiệu quả to lớn trong những giờ chuyển dạ cuối cùng.

Bạn có thể sẽ phải xoa lưng cho vợ, nắm chặt tay vợ, giúp mặc quần áo hoặc ở vài thời điểm phải để mặc cô ấy. Đúng vậy, bạn sẽ trải qua tất cả những điều này.

Đây cũng là khoảng thời gian nhạy cảm, và cô ấy có thể cũng sẽ không chú ý và cảm động trước những việc này. Vì vậy, đừng suy nghĩ quá cảm tính. Bạn cần phải biết rằng lúc này đây, cô ấy chẳng thể nào kiểm soát nổi cảm xúc, lý trí hay là cơ thể của mình nữa. Hãy không ngừng ủng hộ và khích lệ cô ấy.

Khi đứa bé được chào đời, cô ấy sẽ thoải mái hơn và cũng dần bình tĩnh trở lại. Cho cô ấy không gian và thời gian để yên tĩnh. Nhưng hãy luôn ở đó, sẵn sàng cho bất kỳ lúc nào cô ấy cần bạn.

Sự hỗ trợ từ người chồng, người cha trong suốt quá trình mang thai và cả thời gian sau đó – cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với bé con. Đứa bé trong bụng cũng có thể cảm nhận được tình thương của cha dành cho mẹ và nó. Và điều đó sẽ thắt chặt mối liên kết phụ tử. Cho nên, việc này mang đến một kết quả mà đôi bên cùng có lợi.

Hãy nhớ rằng, tất cả những gì bạn cần làm là ủng hộ và yêu thương khi cùng với vợ bắt đầu cuộc hành trình tuyệt đẹp này.

Nguồn: https://sg.theasianparent.com/husbands-support-during-pregnancy

Scroll to Top