• Device: 090 938 1187
  • Service: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

HIỂU ĐƯỢC BÉ CON ĐẦU LÒNG CỦA MÌNH

6 điều mà bé con đầu lòng muốn bố mẹ hiểu trước khi đón chào thêm một thiên thần nhỏ

Bạn đang cảm thấy hào hứng vì một thiên thần đáng yêu nữa lại đến với gia đình bạn? Đây là những gì mà con trai, con gái lớn muốn nói với bạn.

Mang thai đứa thứ hai là một tin vui tốt đẹp mang đến sự háo hức cho cả dòng họ. Và bé con đầu lòng của bạn chắc chắn cũng rất mong chờ chào đón thành viên mới này, tuy nhiên bé cũng cùng lúc cảm thấy bất an và có tâm lý ganh đua với một người lạ – thực ra chính là em mình – để có được sự quan tâm chú ý của bố mẹ.

Đây là một biến động trọng đại trong cuộc đời của mỗi một đứa con đầu lòng, chúng phải đối mặt và vượt qua nhiều cung bậc cảm xúc tiêu cực như sự đố kỵ, thất vọng và sợ hãi. Nếu bé bị bủa vây trong mớ hỗn độn này và không có cách nào để giải tỏa thì bé sẽ bộc lộ ra bên ngoài thông qua những biểu hiện như khóc lóc hay giận dữ. Quả thật quá trình biến đổi này không hề dễ dàng chút nào, khi bé đang là đứa con duy nhất được bố mẹ nâng niu chiều chuộng, đột nhiên lại trở thành một người “lớn” – anh trai hoặc chị gái, vậy nên lúc này tất cả những gì bé cần là sự yêu thương và quan tâm của bố mẹ để bé có thể kiểm soát tâm trạng thật tốt.

Sau đây là một vài điều mà con muốn nói với bạn…

Con muốn nghe bố mẹ nói thương con

Bé con sẽ cần đến một lời đảm bảo từ bạn để chắc rằng dù ra sao đi nữa bạn cũng sẽ luôn yêu thương bé. Khi bé con nhìn thấy bố mẹ lúc nào cũng quan tâm đến em trai hay em gái nhỏ của mình thôi thì bé sẽ cảm thấy mình chẳng còn quan trọng trong mắt bố mẹ nữa. Hãy ôm hôn, vỗ về và trò chuyện với bé nhiều nhất có thể để cho bé thấy rằng bạn yêu bé nhiều như thế nào.

Xin hãy bao dung cho con

Bé con đầu lòng của bạn sẽ không còn là trẻ nhỏ nữa, ít nhất là trong gia đình bạn, và bé sẽ cần phải nhận thức rõ về vai trò của mình. Chắc chắn một điều là bé rất thương em mình nhưng đôi khi bé sẽ có chút ganh tỵ rồi sợ hãi và thất vọng. Lúc này bé không biết hoặc không thể dùng lời để diễn tả hết những băn khoăn lo nghĩ dồn nén trong lòng, cuối cùng thì bật khóc nức nở, hoặc nổi giận vô cớ, còn không thì bám riết lấy bạn suốt 24/7 như cách mà gấu con koala ốm lấy gấu mẹ không rời. Tất cả những điều này, có thể trong mắt bố mẹ là phiền phức, là rắc rối, nhưng với bé lại là cách thức để thể hiện cảm xúc. Vậy nên, trước khi bạn cằn nhằn hay trách mắng bé, hãy nhớ lại nguyên do tại sao bé phải làm như vậy, chẳng phải là vì bé không biết làm thế nào để lý giải cho những biến đổi cảm xúc này hay sao. Nhẫn nại thêm một chút, lắng nghe, thảo luận và cùng với bé tháo gỡ mọi vướng mắc lo âu.

Con cần thời gian riêng “chỉ bố, mẹ và con”

Bạn đã từng dành trọn thời gian của mình cho bé nên bé nhất định sẽ rất nhớ, nhớ từng khoảnh khắc, từng lời nói cử chỉ cho đến cách bạn trò chuyện vui đùa cùng bé, không chỉ vậy, bé sẽ cảm thấy mất mát khi mình không còn nhận được sự quan tâm trọn vẹn từ bố mẹ nữa. Do đó, hãy cố gắng sắp xếp thời gian để củng cố mối liên kết cùng đứa con đầu lòng, mỗi ngày bạn có thể nhờ một người thân trong gia đình chăm sóc cho đứa nhỏ một khoảng thời gian ngắn thôi, đủ để bạn bên cạnh bé lớn và cùng nhau làm những điều con thích. Điều này sẽ giúp cho bé cảm thấy mình vẫn được thương yêu và luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng bố mẹ.

Mẹ ơi, con muốn được đối xử thật nhẹ nhàng

Nếu đã từng chăm sóc cho một đứa trẻ sơ sinh, bạn chắc hẳn biết rõ thời gian biểu của bạn sẽ đảo lộn như thế nào, nhiều đêm mất ngủ có thể khiến bạn kiệt sức và khó chịu đến cực hạn. Nhưng, bằng mọi cách hãy kiềm chế cơn nóng giận, đừng la mắng hay quát nạt bé con đầu lòng của bạn. Những tháng ngày đầu tiên là thời điểm cực kỳ quan trọng để tạo dựng mối quan hệ ruột thịt giữa anh trai/chị gái với em trai/em gái. Lựa chọn ngôn từ thật cẩn thận tránh để cho đứa trẻ cảm thấy mẹ đang quở trách mình chỉ vì em bé mới sinh. Khi bạn muốn khiển trách bé lớn vì cư xử không đúng, hoặc lộn xộn không chịu nghe lời, hãy chỉ làm như vậy với điều kiện bé nhỏ không ở bên cạnh bạn lúc này. Nếu không, bé sẽ có cảm giác như mẹ và em là một phe, còn mình thì bị bỏ sang một bên.

Con không chắc là con có thích em bé không nữa

Đứa con lớn của bạn hẳn sẽ thấy thành viên mới của gia đình mình sao mà bừa bộn lộn xộn đến như vậy, cả ngày chỉ biết khóc, ngủ rồi đi ngoài một bãi đầy ra đó. Vì “quỷ nhỏ” thích ngủ này mà mình lúc nào cũng phải đi nhẹ nói khẽ, không được la hét hay đùa giỡn lớn tiếng. Bé có lẽ đã mong chờ một người bạn mới vui vẻ để cùng chơi đùa, chứ không phải một nhóc con kỳ lạ và nhàm chán chỉ biết đòi ăn và ngủ. Hãy để cho bé cùng tham gia vào quá trình chăm sóc để bé có thể hiểu rõ hơn về em trai/em gái của mình. Nếu như bạn bận, bé có thể thay mẹ vui đùa cùng em thông qua những câu chuyện hoặc bài hát nào đó, hay là giúp mẹ thay tã cho em, hoặc là cầm bình sữa cho em bú chẳng hạn. Hãy tán dương mọi việc mà bé làm đồng thời nhấn mạnh rằng em nhỏ cũng rất thích được anh hai/chị hai chăm sóc. Cho phép bé được bồng em của mình (dĩ nhiên là dưới sự giám sát của người lớn), tắm cho em, cũng như là kể chuyện hay cùng hát với em. Việc này sẽ tạo điều kiện gắn kết mối liên hệ, nhờ đó mà quan hệ anh chị em bền chặt hơn.

Mẹ ơi, con đang cố hết sức rồi!

Mặc dù bé lớn ít nhiều sẽ có những e ngại về đứa em nhỏ mới chào đời này, nhưng bé sẽ cố gắng làm thật tốt vai trò của mình bởi vì bé yêu bạn rất nhiều. Thỉnh thoảng, bé đang cố gắng hết sức mà mẹ lại không mấy hài lòng với tất cả những nỗ lực đó. Chẳng hạn bé đã không giữ được một không gian đủ yên lặng để cho em ngủ, hay ôm em quá chặt, rồi nằng nặc đòi bạn phải đưa em cho bé bế hoặc là đánh rơi bình sữa trong khi đang thử cho em bú. Có thể cách bé làm không đúng hoặc không hoàn hảo nhưng bé đang cố gắng để trở thành một người anh/người chị tốt. Vì vậy, hãy bỏ qua mọi rắc rối gây ra bởi bé con đầu lòng của bạn – một đứa trẻ đang tập tành chăm sóc cho một đứa trẻ khác, và đừng quên ôm ấp vỗ về con. Hãy thừa nhận và tuyên dương mọi nỗ lực của con, đưa ra thật nhiều lời khen để con biết rằng việc mình đang làm vĩ đại đến nhường nào.

Khi bạn lần thứ hai chào đón một thành viên bé nhỏ đến với gia đình của mình thì điều trên hết mà đứa con đầu tiên cần chính là tình yêu thương và sự thấu hiểu từ bố mẹ. Quan trọng nhất là bạn phải lắng nghe những suy nghĩ của con, nhận biết những xúc cảm đang biến đổi trong con và hướng dẫn con cùng chăm sóc thiên thần nhỏ vừa chào đời, nhờ vậy bé sẽ cảm nhận được vòng tay của gia đình và không cảm thấy bị bỏ rơi.

Scroll to Top