• Device: 090 938 1187
  • Service: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

CHỨNG NGHẸT MŨI KHI MANG THAI

Viêm mũi thai kỳ là gì?

Viêm mũi thai kỳ là tình trạng nghẹt mũi ở bà bầu. Triệu chứng có thể tương tự như khi nghẹt mũi do cảm lạnh, tuy nhiên nguyên nhân của tình trạng này xuất phát một phần từ sự thay đổi nội tiết tố trong suốt thời gian mang thai. Ví dụ, khi mang thai, lượng estrogen trong cơ thể sản sinh nhiều hơn, có thể gây sưng nề hốc mũi, tăng xuất tiết chất nhầy; sự tuần hoàn máu cũng gia tăng làm sung huyết và gây nghẹt mũi.

Gần 30% thai phụ mắc phải chứng viêm mũi, tình trạng này có thể xuất hiện sớm nhất vào tháng thứ hai, tuy nhiên lại có xu hướng nặng hơn trong suốt khoảng thời gian mang thai sau đó. Chứng nghẹt mũi sẽ dần thuyên giảm ngay sau khi bạn sinh con, và khỏi hẳn trong vòng 2 tuần sau khi sinh.

Làm thế nào tôi biết được tình trạng này là viêm mũi thai kỳ hay là một bệnh lý nào khác?

Nếu triệu chứng chỉ đơn thuần là nghẹt mũi hay sổ mũi thì đây có thể là viêm mũi thai kỳ. Trong trường hợp nghẹt mũi đi kèm với một loạt biểu hiện như hắt hơi, ho, đau họng, các tuyến bị sưng đỏ và đau nhói, hoặc sốt cao thì nhiều khả năng bạn đang cảm cúm hoặc mắc phải bệnh lý truyền nhiễm nào đó.

Nhiễm trùng xoang cũng là tình trạng phổ biến trong thai kỳ. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn nhận thấy các triệu chứng viêm xoang như sốt, nhức đầu, chất nhầy có màu vàng hoặc xanh lá, đau nhức hoặc cảm thấy áp lực trên vùng mặt (đặc biệt khi cúi người xuống), đau hàm trên, hoặc suy giảm khứu giác.

Mặt khác, trong trường hợp nghẹt mũi hay sổ mũi mà chất nhầy dạng lỏng, kèm theo hắt hơi, ngứa mắt/mũi/họng hoặc tai thì bạn có lẽ đang bị dị ứng. Tình trạng dị ứng khi mang thai rất khó nói: có thể dần chuyển biến tốt hơn mà cũng có thể dần trở nên tệ hơn, hoặc là, bạn sẽ nhận thấy mình mẫn cảm với một số chất mà trước đây bạn chưa bao giờ bị dị ứng.

Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng có thể xác định chính xác nguyên nhân nghẹt mũi, thậm chí có thể có nhiều hơn một nguyên nhân. Chẳng hạn, bạn có thể đồng thời bị dị ứng cùng với viêm mũi thai kỳ.

Điều trị viêm mũi thai kỳ

Để thuyên giảm tình trạng nghẹt mũi cũng như các triệu chứng khác của viêm mũi thai kỳ:

  • Uống nhiều nước.
  • Dùng gối kê cao đầu khi ngủ hoặc nằm nghỉ.
  • Tắm nước ấm và nán lại một chút trong phòng tắm. Lúc này, hơi nước và nhiệt độ phòng tắm có thể hỗ trợ làm dịu cơn nghẹt mũi. Bạn cũng có thể ngâm khăn mặt trong nước nóng, rồi giữ ở trên mặt và hít thở đều.
  • Thử nhỏ mũi hoặc xịt mũi bằng nước muối sinh lý, các dạng thuốc này đều có bán ở các nhà thuốc. Bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn khoảng 5 đến 10 phút sau mỗi lần đưa thuốc vào mũi.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy xông hơi trong phòng ngủ vào ban đêm để tăng thêm độ ẩm không khí. (Thực hiện theo các hướng dẫn vệ sinh đi kèm với máy tạo độ ẩm vì đây có thể là nguồn sản sinh vi khuẩn.)
  • Thực hiện các bài tập ở mức độ từ nhẹ đến vừa có thể làm giảm sự nghẹt mũi. (Đừng tập thể dục ngoài trời vào những ngày mà không khí bị ô nhiễm nhiều, điều này có thể gây kích ứng cho hốc mũi và khiến cho tình trạng nghẹt mũi nghiêm trọng hơn.)
  • Tránh các chất có thể gây kích ứng, chẳng hạn như khói thuốc, rượu, sơn và hơi hóa chất cũng như bất kỳ thứ gì có thể làm bùng phát các triệu chứng bệnh.

Tôi có thể dùng thuốc gì để giảm viêm mũi thai kỳ?

Tốt nhất là bạn nên cố gắng không dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ vì đây là thời điểm mà các cơ quan của bé đang dần hình thành. Nhưng nếu tình trạng nghẹt mũi làm cho bạn khó chịu, hãy hỏi dịch vụ y tế xem loại thuốc nào an toàn để sử dụng. Chẳng hạn, bạn có thể dùng thử thuốc thông mũi trong trường hợp bác sĩ của bạn cho phép.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận! Đừng lạm dụng thuốc xịt thông mũi, nếu không tình trạng nghẹt mũi của bạn có thể càng trở nên tồi tệ hơn.

Nguồn: https://www.babycenter.com/0_stuffy-nose-during-pregnancy_1076.bc

Scroll to Top