Cơn đau tim có thể ập đến bất cứ thời điểm nào. Hãy học cách tự mình chống chọi khi cơn đau xảy đến với bạn, cùng tham khảo ý kiến từ các bác sĩ Khoa Tim mạch tại Viện Tim mạch quốc gia Singapore (National Heart Centre Signapore) (NHCS).
Cơn đau tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy phải làm gì nếu như bạn chỉ có một mình?
Đầu tiên, hãy gọi cấp cứu ngay!
Nếu bạn lên cơn đau tim ở những nơi đông người thì theo bản năng việc đầu tiên bạn có thể nghĩ tới là kêu gọi tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng chẳng may cơn đau tim tìm đến khi bạn chỉ có một mình thì sao, liệu bạn có sống sót được không? Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ đấy.
Phải làm gì khi lên cơn đau tim?
Nếu như bạn lên cơn đau tim, bất kể là xung quanh bạn có người hay không có người thì việc đầu tiên nhất định phải làm là gọi ngay cho cấp cứu để được hỗ trợ. Bạn cần phải được tiếp nhận điều trị chuyên môn nhanh nhất có thể để kịp thời cấp cứu cho vùng cơ tim bị tổn thương.
“Nếu bạn đang ở một mình mà lại lên cơn đau tim, hãy dừng tất cả mọi việc bạn đang làm, di chuyển đến một nơi an toàn để nghỉ ngơi và gọi cho dịch vụ y tế nhờ hỗ trợ. Ví dụ, nếu bạn đang lái xe thì trước hết tấp xe vào lề rồi hãy gọi cấp cứu” – lời khuyên từ bác sĩ Chin Chee Tang, cố vấn cấp cao Khoa Tim mạch của Viện Tim mạch Quốc gia Singapore (NHCS) trực thuộc tập đoàn SingHealth.
Làm gì trong thời gian đợi cấp cứu
Hãy uống một viên aspirin (nếu như bạn không dị ứng với thuốc) – loại dược phẩm phổ biến trên toàn thế giới với khả năng làm loãng máu – sử dụng thuốc này khi lên cơn đau tim có thể nâng cao cơ hội sống sót.
Nguyên nhân của đa số trường hợp nhồi máu cơ tim là do huyết khối hình thành trong lòng các mạch máu có nhiệm vụ nuôi tim. Kết quả là lượng máu giàu oxy không được chuyển đến tim, gây tổn thương lên các cơ tim và không lâu sau đó sẽ dẫn đến tử vong. Dùng aspirin trong suốt thời gian lên cơn đau tim có thể giúp bạn khống chế để huyết khối không tăng thêm kích thước, đồng thời hỗ trợ cơ thể phá vỡ huyết khối này.
Nếu bạn có sẵn aspirin tại nhà và chắc chắn không dị ứng với thành phần của thuốc thì bạn nên sử dụng trong thời gian chờ đợi dịch vụ cứu thương.
Không nên làm gì khi lên cơn đau tim
Không được sử dụng nitroglycerin – đây là loại thuốc thường được kê đơn trong điều trị, tuy nhiên nitroglycerin chỉ tạm thời nới rộng thành mạch để cải thiện lượng máu đưa đến tim mà không hỗ trợ gì nhiều.
Bác sĩ Chin cho biết “Về cơ bản, nitroglycerin hoàn toàn không có tác dụng ngăn ngừa nhồi máu cơ tim hay tăng khả năng sống sót khi bạn lên cơn đau. Thuốc chỉ có lợi cho những bệnh nhân mắc chứng đau thắt, hoặc là một bệnh lý nào đó mà họ có triệu chứng đau hay khó chịu vùng ngực khi vận động.”
Đau thắt ngực là hệ quả từ sự mất cân bằng giữa cung và cầu oxy cơ tim, nhưng nguyên nhân không nằm ở huyết khối cần phải tiêu hủy, mà là do mạch máu bị thu hẹp. Sử dụng nitroglycerin trong tình trạng này có thể tạm thời mở rộng thành mạch và làm cơ thể thoải mái hơn.
Không ho liên tục – theo lời bác sĩ Chin thì các phương pháp tự điều trị như ho liên tục chỉ là những cách thức truyền miệng trong dân gian mà chưa chắc đã có căn cứ khoa học.
Ông lý giải, “Trong một số ít trường hợp mà nhịp tim quá chậm do cơ thể phản xạ bất thường, ho có thể giúp khôi phục nhịp tim bình thường – nhưng điều này không có tác dụng khi lên cơn nhồi máu cơ tim.”
Không đè ép lên vùng ngực – Tương tư như vậy, đè ép lên vùng ngực cũng không có tác dụng nhiều trừ phi tim bệnh nhân đã ngừng đập (còn được gọi là ngừng tim). Ngay cả khi điều này xảy ra, phương pháp hồi sức tim phổi này vẫn phải được thực hiện bởi người đã qua huấn luyện.
“Thậm chí nếu đã được huấn luyện đi chăng nữa thì người đó cũng nên gọi và thông báo cho nhân viên y tế trước khi tiến hành sơ cấp cứu” – bác sĩ Chin chia sẻ.
Nhận biết dấu hiệu lên cơn đau tim
Để có thể hiểu rõ và biết chính xác mình cần phải làm gì thì trước hết bạn cần phải nhận diện các triệu chứng đầu tiên của cơn đau tim. Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Đau ngực nghiêm trọng ở trung tâm phần ngực trái (có cảm giác như bị siết chặt, nặng nề hay tức ngực), thường kéo dài ít nhất 20 phút.
- Cơn đau có thể lan đến phần tay trên bên trái, cổ hoặc quai hàm.
- Đổ nhiều mồ hôi và có cảm giác phập phồng khó chịu.
Bác sĩ Chin khẳng định: “Khoảng 90% số người lên cơn đau tim cho biết họ đều trải qua những triệu chứng này.”
Tuy nhiên, người cao tuổi, nữ giới và bệnh nhân tiểu đường có thể bộc phát cơn đau tim mà không có dấu hiệu rõ rệt hoặc có nhưng rất mờ nhạt. Chẳng hạn:
- Hơi thở ngắn
- Đau ngực nhẹ
- Buồn nôn, ói
- Đau vùng thượng vị (phần bụng trên rốn)
Nguồn: Healthxchange Singapore