Chẩn đoán và chữa trị chứng đau mỏi lưng và cổ
Đau lưng, mỏi cổ thường là hệ lụy từ việc sử dụng tư thế không đúng hoặc là di chứng để lại từ chấn thương cũ trước đó. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Đa khoa Singapore (Singapore General Hospital) sẽ đưa ra những giải thích về nguyên nhân cũng như hướng dẫn cách chẩn đoán chứng bệnh đau lưng và vùng cổ vai gáy.
Căng cơ quá mức có thể dẫn đến đau hay đơ cứng cổ.
“Phần lớn các cơn đau ở lưng và cổ phát sinh từ các cơ xung quanh cột sống bị chấn thương trước đó hoặc do sử dụng sai tư thế trong sinh hoạt hàng ngày” – một chia sẻ từ các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, thành viên của tập đoàn SingHealth.
Các nguyên nhân gây đau mỏi lưng và cổ vai gáy
Đối với những bệnh nhân còn trẻ, việc các cơn đau bất ngờ xuất hiện ở lưng và cổ có thể là do trượt đĩa đệm – một cấu tạo nằm giữa hai thân đốt sống, có tác dụng giảm chấn động hoặc xóc và giúp cơ thể vận động linh hoạt hơn.
Thoát vị đĩa đệm có thể gây sức ép lên các dây thần kinh phụ cận và dẫn đến các cơn đau, tê hay thậm chí là suy yếu các chi. Khi xuất hiện ở chân, các triệu chứng này thường được biết đến với cái tên như “đau dây thần kinh tọa” hay là “đau lưng”. Đối với người già, thoái hóa cột sống có thể dẫn đến viêm khớp xương sống – đây là nguồn cơn của sự đau nhức. Trong vài trường hợp, gai xương có thể chèn ép các dây thần kinh xung quanh hay thậm chí là tủy sống, gây ra các cơn đau nhức, tê mỏi và suy yếu chân tay.
Chẩn đoán chứng đau mỏi lưng và cổ vai gáy
Trong nhiều trường hợp, có thể kiềm chế các cơn đau lưng và cổ bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc và thực hiện các bài tập tăng cường. Bác sĩ gia đình có thể tư vấn cho bạn phương pháp chăm sóc thích hợp. Nhưng đối với các cơn đau dai dẳng hoặc nghi ngờ bị trượt đĩa đệm, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia chỉnh hình để thực hiện bài kiểm tra tổng quát. Thông thường, chụp X-quang sẽ được chỉ định cho phần lớn các tình trạng bệnh và trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chức năng thần kinh chuyên biệt.
Khi nghi ngờ bệnh lý có nguy cơ trầm trọng hơn hoặc cần xem xét tiến hành phẫu thuật, bạn thường sẽ được yêu cầu chụp cộng hưởng từ MRI. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao và giúp bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi các tia bức xạ do phương pháp chụp MRI hoàn toàn dựa trên sự cộng hưởng từ trường.
Nhiễm trùng và ung thư là hai trong số những nguyên nhân gây ra các cơn đau nhức ở lưng và cổ, tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Trong trường hợp mắc các bệnh này, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm chuyên môn để có thể chẩn đoán một cách chính xác.
Một số cách giải quyết cơn đau vùng lưng và cổ
Các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng dược phẩm, thực hiện vật lý trị liệu và cải thiện phong cách sống. Khoa Phẫu thuật chỉnh hình thuộc Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH) sẽ chia sẻ thêm nhiều thông tin hữu ích.
Đau lưng, mỏi cổ có thể xảy ra khi ngồi làm việc trong một thời gian quá dài.
Chứng đau nhức vùng lưng và cổ có thể là hậu quả của một loạt các nguyên nhân khác nhau. Theo các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, “tư thế không đúng, ngồi làm việc quá lâu tại văn phòng, vị trí nằm ngủ không tốt hoặc một cú xoay người bất thình lình đều có khả năng dẫn đến chứng bệnh này”.
Nếu cơn đau kéo dài dai dẳng mà không rõ nguyên nhân, đây có thể là dấu hiệu của thoái hóa khớp hoặc viêm khớp – điều này làm suy yếu các lớp sụn trong xương hay thậm chí gây bệnh thấp khớp đối với một số trường hợp.
Cách điều trị
Các phương pháp điều trị thích hợp phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể gây ra cơn đau nhưng nhìn chung, trong các trường hợp nhẹ, bạn sẽ được tư vấn các cách sau:
Thay đổi tư thế và cải thiện phong cách sống
- Điều này có thể bao gồm những chỉ dẫn để thực hiện các công việc tay chân, chẳng hạn như làm thế nào để nâng vật nặng mà vẫn đảm bảo chấn thương cột sống ở mức tổi thiểu, hay chuẩn hóa các tư thế cơ bản khi làm việc và nghỉ ngơi.
Vật lý trị liệu
- Đối với nhiều bệnh nhân, tiến hành vật lý trị liệu sẽ rất hữu ích trong việc giảm đau vùng lưng và cổ đồng thời duy trì cột sống vững chắc và khỏe mạnh.
- Điều trị thường bắt đầu với các biện pháp giảm đau bằng cách kéo giãn và sử dụng nhiệt trị liệu, tiếp theo là các chế độ tập thể dục để tăng cường thể lực và sức chịu đựng của cơ xương khớp.
Dược phẩm
- Không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi chứng bệnh này, nhưng một số thuốc sẽ có tác dụng giảm đau, giảm viêm, giảm co thắt và xoa dịu các cơn đau do căn nguyên thần kinh trong quá trình tiến hành vật lý trị liệu.
Khi nào tôi cần phải phẫu thuật?
Phẫu thuật sẽ được cân nhắc khi các dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng và có nguy cơ bị hư tổn vĩnh viễn, hoặc khi các triệu chứng tồn tại dai dẳng và không có dấu hiệu chuyển biến mặc dù đã thực hiện tối đa các phương pháp điều trị không sử dụng dao kéo. Nhiều phương pháp phẫu thuật có thể sử dụng cho các vấn đề rối loạn cột sống khác nhau, một số cách phổ biến bao gồm:
Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm
§ Đối với phần lưng dưới (cột sống thắt lưng), phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thường được tiến hành vì phương pháp này giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn và rút ngắn thời gian nằm viện.
Phẫu thuật nối đốt sống
§ Ở một số bệnh nhân, chứng đau lưng xuất hiện khi cột sống bị suy yếu do quá trình thoái hóa. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể đưa ra ý kiến thực hiện phẫu thuật nhằm nối những phần không ổn định của cột sống lại với nhau để hạn chế những cử động bất thường và giúp giảm đau.
§ Hiện nay, phẫu thuật này thường được tiến hành bằng cách sử dụng nẹp và ốc vít chuyên dụng để tăng tỷ lệ thành công.
Bơm xi măng sinh học cột sống có dùng bóng (Kyphoplasty) và không dùng bóng (Vertebroplasty)
§ Đối với những người lớn tuổi mắc bệnh loãng xương thường phải chịu đựng cơn đau dai dẳng từ cột sống thắt lưng dưới, hai thủ thuật đơn giản này được cho là hiệu quả trong việc giảm đau và tăng cường khả năng hoạt động.
§ Cả hai thủ thuật này đều sử dụng một loại xi măng sinh học để ổn định các đốt sống bị gãy, nhưng với phương pháp kyphoplasty, đốt sống bị gãy sẽ được mở rộng bằng bóng chuyên dụng trước khi tiêm xi măng sinh học.
Với các trường hợp đau nhức kinh niên, nếu những điều trị thông thường không đem lại kết quả như mong đợi, người bệnh có thể xem xét phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.
Lợi ích của phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu
Phẫu thuật cột sống thường được áp dụng cho các trường hợp đau lưng hoặc chân do mất vững cơ học. Khoa Phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Đa khoa Singapore chia sẻ những kinh nghiệm và hướng dẫn tiến hành phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu đồng thời nhấn mạnh lợi ích mà phương pháp này mang lại.
Đau lưng, mỏi cổ là tình trạng phổ biến thường xuất hiện tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống.
Trong nhiều trường hợp, đau nhức vùng lưng và cổ có thể được chữa trị mà không cần phẫu thuật, chẳng hạn như áp dụng các phương pháp điều trị sử dụng dược phẩm và vật lý trị liệu. Các cơn đau mạn tính mà phát sinh từ những nguyên do nghiêm trọng (như thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý cột sống) có nhiều nguy cơ dẫn đến khuyết tật, lúc này phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu là một lựa chọn nên được lưu tâm.
Phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu
Phẫu thuật cột sống thường được tiến hành cho các trường hợp đau lưng hoặc chân gây ra bởi:
§ Dây thần kinh cột sống lưng bị chèn ép (do thoát vị đĩa đệm hoặc gai cột sống)
§ Mất vững cơ học cột sống – sự di lệch của một đơn vị đốt sống so với các cấu trúc liên quan (do thoái hóa cột sống và trượt đốt sống)
Đối với trường hợp đầu, ca phẫu thuật được tiến hành nhằm mục đích làm giảm sức ép lên các dây thần kinh bị chèn bằng cách cắt bỏ khối thoát vị đĩa đệm hoặc các gai xương trên đốt sống. Đối với trường hợp sau, ca phẫu thuật tập trung vào việc cố định làm vững cột sống bằng cách hàn xương liên thân đốt (ghép các mảnh xương với các đốt sống bị mất vững, sử dụng các dụng cụ như ốc chân cung và nẹp vít).
Các phương pháp truyền thống hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu này, tuy nhiên quá trình hồi phục sau đó có thể gây đau và kéo dài, bởi vì các cơ, cũng như dây thần kinh và lượng máu vận cơ, đều bị tổn thương khi tiến hành phẫu thuật cột sống. Các bác sĩ thường sẽ rạch một đường dài trên da và kéo giãn các cơ xương sống để hỗ trợ trực quan trong quá trình giải phẫu.
Lợi ích của phương pháp phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu
Những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật cho phép bác sĩ thực hiện phẫu thuật thông qua những vết mổ nhỏ hơn. Các hiệu quả phẫu thuật vẫn được bảo đảm, đồng thời giảm thiểu tối đa các tổn hại cho cơ xương sống. Lợi điểm chung nhất là thời gian nằm viện không lâu, một ngày đối với phẫu thuật giải ép dây thần kinh và hai ngày cho phẫu thuật hàn xương, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi chức năng và trở lại công việc thường ngày.
Trong phẫu thuật này, tia X được sử dụng để đưa ống điện tử vào xương sống, kết hợp với kính hiển vi và camera chuyên dụng, nhờ đó các bác sỹ có thể dễ dàng hình dung và kiểm soát tốt quá trình phẫu thuật. Các dây thần kinh được giải ép bằng những dụng cụ hỗ trợ chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, các bác sỹ còn gài ốc vít và nẹp vít vào cột sống với sự hỗ trợ của tia X.
Đối tượng thích hợp
Phẫu thuật này thích hợp với các bệnh nhân gặp phải cơn đau ở vùng lưng hoặc chân làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt thường ngày, mà những phương pháp như vật lý trị liệu hay điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả. Các bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát tình trạng cột sống và các dây thần kinh lưng, bao gồm cả chụp X-quang và chụp MRI, trước khi quyết định phương pháp phẫu thuật nào là an toàn và thích hợp nhất cho trường hợp của bạn.
Nguồn: HealthXchange Singapore