• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Bệnh Võng Mạc Do Tiểu Đường

Bệnh Võng Mạc Do Tiểu Đường

Nguyên nhân

Bệnh tiểu đường theo thời gian sẽ gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ trong võng mạc. Các mạch máu nhỏ này do đó có thể bị rò rỉ, gây ra sưng võng mạc.Chúng cũng có thể bị tắc, dẫn đến việc kích thích võng mạc phát triển các mạch máu mới. Những mạch máu mới bất thường và mong manh có thể làm chảy máu vào khoang trong của mắt. Sẹo hình thành từ những mạch máu mới này, kéo võng mạc và dẫn đến bong võng mạc. Tất cả các trường hợp này đều có thể dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng và vĩnh viễn.Triệu chứngBệnh nhân thường không nhận thấy triệu chứng, tức là thị lực hoàn toàn bình thường, trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc do tiểu đường. Một khi thị lực bị ảnh hưởng, bệnh võng mạc do tiểu đường thường đã phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng.Các triệu chứng của bệnh võng mạc do tiểu đường bao gồm:

  • Mờ mắt
  • Xuất hiện những vùng bị đục và tối trong thị trường do chảy máu bên trong mắt

Các yếu tố nguy cơ

Các nguy cơ của bệnh võng mạc do tiểu đường gia tăng với thời gian mắc bệnh tiểu đường.Các yếu tố nguy cơ quan trọng làm bệnh võng mạc do tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Kiểm soát kém lượng đường trong máu
  • Cao huyết áp
  • Cao cholesterol
  • Mang thai
  • Hút thuốc lá
  • Suy thận

Phòng ngừa

Nếu bị tiểu đường, bạn nên kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol để làm giảm nguy cơ của bệnh võng mạc do tiểu đường.Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt lượng đường không loại trừ hoàn toàn nguy cơ của bệnh võng mạc do tiểu đường. Đi kèm với việc bệnh võng mạc tiểu đường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, việc khám mắt hàng năm là rất quan trọng đối với tất cả các bệnh nhân tiểu đường. Bạn có thể khám bác sĩ nhãn khoa hoặc chụp hình võng mạc.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường bằng cách kiểm tra mắt bằng các dụng cụ và ống kính đặc biệt. Chụp hình võng mạc là một cách hữu hiệu để phát hiện và đánh giá bệnh võng mạc do tiểu đường.

Điều trị

Điều trị bằng laser là cần thiết nếu bệnh võng mạc trở nên nghiêm trọng. Đốt laser có thể được dùng để điều trị các khu vực bị sưng của võng mạc. Phương pháp này cũng được sử dụng ở vùng võng mạc bị hư do thiếu máu nhằm ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới bất thường. Phương pháp điều trị laser thường được tiến hành ngoại trú. Điều trị thường cần phải tiến hành nhiều lần.Các phương pháp phẫu thuật khác như vitrectomy (phẫu thuật loại bỏ dịch thuỷ tinh) có thể được sử dụng trong những trường hợp nghiêm trọng có kèm xuất huyết trong mắt, hình thành mô sẹo và bong võng mạc. Phẫu thuật là phương sách cuối cùng để cứu đôi mắt của bạn. Thuốc cũng được tiêm vào mắt để kiểm soát tình trạng sưng hay sự tăng trưởng của mạch máu mới trong một vài trường hợp đặc biệt.Khám mắt thường xuyên là cần thiết sau khi điều trị vì bệnh võng mạc là một căn bệnh mãn tính. Mục đích của việc điều trị là để ổn định tình trạng bệnh và ngăn chặn thị lực suy giảm trong một khoảng thời gian. Đáng tiếc là tổn thương đã xảy ra có thể là vĩnh viễn.

Vì bệnh võng mạc do tiểu đường có thể không có triệu chứng nào lúc ban đầu, bạn nên khám mắt hàng năm nếu bạn mắc bệnh tiểu đường. Thị lực của bạn có thể được duy trì tốt nếu bệnh võng mạc được phát hiện và điều trị sớm trước khi những tổn thương vĩnh viễn xảy ra.

BỆNH VÕNG MẠC DO TIỂU ĐƯỜNG LÀ GÌ? 
Võng mạc là lớp lót bên trong mặt sau của mắt. Chức năng của võng mạc cũng giống như tấm phim trong máy ảnh. Nó chứa hàng triệu tế bào cảm nhận ánh sáng để nhận lấy những hình ảnh chúng ta nhìn thấy.

Tiểu đường có thể gây tổn thương võng mạc, dẫn đến mất thị lực do võng mạc bị sưng, thiếu máu cung cấp đến các tế bào võng mạc, chảy máu bên trong mắt hoặc để lại sẹo và bong võng mạc.

80% những người mắc bệnh tiểu đường mãn tính sẽ phát triển bệnh võng mạc do tiểu đường. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn nên khám mắt hàng năm.

* Dựa trên một nghiên cứu năm 2001 của Viện Nghiên cứu Nhãn khoa Singapore

Di chuyển lên đầu