• Thiết bị: 090 938 1187
  • Dịch vụ: 090 777 1187
  • info.ips@ipsvn.com.vn
  • www.ipsvn.com.vn

Bệnh lý tuyến giáp thường gặp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm trước cổ, có 2 thùy và liên quan chặt chẽ với thần kinh thanh quản giúp điều khiển việc phát âm, với các tuyến phó giáp giúp ổn định nồng độ calci trong máu, với chức năng tổng hợp hormone tuyến giáp giúp cơ thể hoạt động bình thường.

1. Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm trước cổ, có 2 thùy và liên quan chặt chẽ với thần kinh thanh quản giúp điều khiển việc phát âm, với các tuyến phó giáp giúp ổn định nồng độ calci trong máu, với chức năng tổng hợp hormone tuyến giáp giúp cơ thể hoạt động bình thường.

2. Bệnh lý tuyến giáp thường gặp bao gồm 2 nhóm:

2.1 Bệnh lý về chức năng như cường giáp hay suy giáp.

Tình huống hay gặp là một người cảm thấy mệt, hồi hộp, tim đập nhanh, liên quan tới nhóm bệnh về chức năng tuyến giáp. Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) làm tim đập nhanh gây mệt, hồi hộp. Nhóm bệnh lý về chức năng tuyến giáp cần làm xét nghiệm máu để chẩn đoán.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán

2.2 Bệnh lý về hình thái tuyến giáp như tuyến giáp nở to ra (phình giáp), có u lành (nhân giáp lành tính) hay u ác (ung thư).

Tình huống hay gặp là có bướu vùng trước cổ hay tình cờ phát hiện nhân giáp khi siêu âm cổ.

    

 

Bướu vùng trước cổ                Nhân giáp trên siêu âm

Để phân biệt nhân giáp lành tính hay ung thư, cần làm xét nghiệm chọc hút sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA). Các trường hợp nhân giáp nghi ngờ ung thư còn rất nhỏ cần làm xét nghiệm xét nghiệm chọc hút sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn của siêu âm để nâng cao độ chính xác.

 

Sinh thiết nhân giáp bằng kim nhỏ (FNA)

3. Nguyên tắc điều trị

3.1 Nguyên tắc điều trị của nhóm bệnh lý về chức năng tuyến giáp như cường giáp luôn bắt đầu bằng việc uống thuốc.

Đa số trường hợp sẽ có kết quả tốt, khỏi bệnh. Những trường hợp điều trị không thành công với thuốc uống mới cần tới điều trị bằng phẫu thuật hay uống Iod phóng xạ. Kết quả điều trị nhóm bệnh lý này nhìn chung có kết quả rất tốt.

3.2 Nguyên tắc điều trị của nhóm bệnh bướu lành tuyến giáp như sau:

Có thể lựa chọn theo thứ tự ưu tiên như sau: theo dõi và chung sống hòa bình với bướu, phẫu thuật, uống thuốc. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào cần dựa trên tình hình thực tế của bệnh, hoàn cảnh gia đình và xã hội người bệnh.

     – Chỉ nên điều trị phẫu thuật khi:

+ Bướu không điển hình lành tính

+ Bướu gây phiền hà cho người bệnh về mặt thẩm mỹ hay chức năng (khó nuốt, khó thở).

– Không nên điều trị phẫu thuật khi:

+ Bướu nhỏ không gây ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng cho người bệnh.

+ Bệnh nhân có bệnh nội khoa phức tạp kèm theo, nguy cơ phẫu thuật cao.

– Kết quả điều trị nhìn chung có kết quả rất tốt.

3.3 Nguyên tắc điều trị của nhóm bệnh ung thư tuyến giáp như sau:

– Điều trị phẫu thuật đầu tiên sau đó điều trị hỗ trợ bằng nội tiết, đôi khi bổ sung thêm Iode phóng xạ khi có chỉ định.

Phẫu thuật     
UỐNG thuốc nội tiết                   

UỐNG phóng xạ I 131

+ Điều trị phẫu thuật tương đối đơn giản, sẽ được nói kỹ thêm ở phần sau.

+ Điều trị nội tiết đơn giản và ít tốn kém.

+ Điều trị Iod phóng xạ cũng đơn giản và nhẹ nhàng hơn so với xạ trị ngoài trong các bệnh lý ung thư khác.

– Kết quả điều trị nhìn chung có kết quả tốt.

– Phẫu thuật cắt tuyến giáp:

+ Có thể cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp, đôi khi kèm theo nạo hạch cổ tùy theo bệnh lý.

 

Sơ đồ cắt một thùy tuyến giáp hay cả 2 thùy tuyến giáp.

+ Phẫu thuật tương đối nhẹ nhàng, ít chảy máu, ít đau, nhất là có sử dụng dao siêu âm hỗ trợ khi mổ.

Dao siêu âm

+ Sẹo mổ thường trùng với nếp da cổ, không gây mất thẩm mỹ.

 

Sẹo mổ tuyến giáp.

+ Thời gian nằm viện ngắn, trung bình khoảng 2 ngày.

+ Tỷ lệ biến chứng rất thấp, đặc biệt khi phẫu thuật bởi các bác sĩ chuyên khoa. Các biến chứng có thể gặp với tỷ lệ rất thấp 1-2% như: chảy máu, nhiễm trùng, khàn tiếng, hạ calci máu.

4. Kết luận:

Để phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh lý tuyến giáp cần làm các xét nghiệm như thử máu khảo sát chức năng tuyến giáp, siêu âm cổ khảo sát hình thể tuyến giáp, chọc hút sinh thiết nhân giáp bằng kim nhỏ để khảo sát bản chất lành tính hay ác tính của tuyến giáp.

Sau khi chẩn đoán xong, tùy theo các điều kiện cụ thể mà quyết định cách xử trí như điều trị nội khoa bằng uống thuốc hay điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật, hay chỉ theo dõi và tái khám định kỳ.

Kết quả điều trị nhìn chung từ tốt tới rất tốt.

BS ĐỖ TƯỜNG HUÂN

*Bác sĩ chuyên khoa II ung thư học, chuyên phẫu thuật các bệnh lý ung bướu vùng đầu cổ.

Di chuyển lên đầu